21/06/2018 - 17:24

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ:

Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, bảo vệ môi trường 

6 tháng năm 2018, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội của thành phố. Trong đó, các hoạt động thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường… đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề để ngành TN&MT thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2018. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết:

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thứ 2 từ trái sang) và ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ  (bên trái) kiểm tra việc phân loại rác thải tại hộ dân ở quận Ninh Kiều.

- Trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch được giao, trong 6 tháng qua, Sở TN&MT đã hoàn thành công tác lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của thành phố (được phê duyệt tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10-5-2018 của Chính phủ). Tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích đất trồng lúa dưới 10ha trong năm 2018. Tập trung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Đề án khai thác quỹ đất khu đô thị Võ Văn Kiệt (diện tích 35ha), dự án Đường tỉnh 922. Tích cực tham mưu các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong công tác giao đất, cho thuê đất; giải phóng mặt bằng, chính sách giảm tiền sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ.

* Công tác quản lý đất đai đạt kết quả ra sao, thưa ông?

- Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), Sở tham mưu UBND thành phố phân bổ chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thành phố cho UBND 9 quận, huyện làm cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2018 và các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa (dưới 10ha) trong 6 tháng đầu năm 2018. Qua đó có 70 dự án, với diện tích 396,75ha cần thu hồi đất đã phê duyệt. Đến nay đã thực hiện thu hồi đất 20 dự án, với diện tích 95,35ha, đạt 24,03%; phần còn lại 50 dự án chưa thực hiện với diện tích 301,40ha.

Tổng số dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (dưới 10ha) được phê duyệt là 8 dự án, với diện tích 12,66ha. Đã có 3 dự án được thực hiện, diện tích 4,61ha; còn lại 5 dự án, diện tích 8,05ha, sẽ tiếp tục chuyển đổi mục đích trong những tháng cuối năm. Sở cũng trình HĐND thành phố thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất và các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa (dưới 10ha) trong năm 2018. Cụ thể: 35 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích là 23,96ha và 19 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa (dưới 10ha) với tổng diện tích là 8,25ha; thực hiện thu hồi đất của 15 tổ chức với diện tích 15,6ha; giao đất cho 21 tổ chức với diện tích 18,15ha; cho 9 tổ chức thuê đất với diện tích 11,28ha; cho 3 tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 0,27ha, làm cơ sở thu tiền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân...

* Việc quản lý quỹ đất công được thực hiện như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất, thưa ông?

- Quá trình thực hiện cho thuê, ngành đều có kiểm tra thực tế tình hình sử dụng đất nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tổ chức sử dụng đất kém hiệu quả, không đúng mục đích, lãng phí mặt bằng... 6 tháng qua, chúng tôi đã thẩm định 53 hồ sơ đo đạc với tổng diện tích 149,45ha để phục vụ công tác khai thác quỹ đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và xin chủ trương chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho các đơn vị, tổ chức và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TP Cần Thơ đảm bảo đúng quy định, quy hoạch.

* Bảo vệ môi trường, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm là những vấn đề dư luận quan tâm. Sở TN&MT thực hiện công tác này ra sao, thưa ông?

- 6 tháng qua, chúng tôi tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành và quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật, tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sở tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế, lĩnh vực chế biến thủy hải sản, các khu xử lý chất thải sinh hoạt… nhằm chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Đặc biệt, Sở TN&MT quan tâm xử lý triệt để các kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường; thẩm định và hậu kiểm, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án hoạt động có liên quan đến môi trường; thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường theo định kỳ; công bố dữ liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí, nước mặt, xâm nhập mặn tại các vị trí công cộng để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, khách du lịch đến TP Cần Thơ...

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên phải) và ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT thành phố (bên trái) công bố chứng nhận Cần Thơ là “Thành phố có tiềm năng trở thành thành phố tiềm năng bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 3, lĩnh vực không khí” tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới.

Sở TN&MT tổ chức được 10 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 3 cuộc thực hiện theo kế hoạch và 7 cuộc đột xuất) về môi trường, tài nguyên nước đối với 23 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Kết quả, xử phạt vi phạm hành chính 1 doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi đã phát huy được hiệu quả, vai trò phối hợp của UBMTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sức mạnh đoàn kết trong tuyên truyền bảo vệ môi trường. Qua đó, ý thức và sự quan tâm đến môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng lên; phản ánh của cử tri về các vấn đề môi trường ngày càng nhiều và đã góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng trong kiểm soát ô nhiễm môi trường và điều tra các điểm gây ô nhiễm... Đây là việc làm cần phát huy trong thời gian tới.

Mặc dù đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc phát hiện các hành vi vi phạm cần có sự phối hợp, hỗ trợ của cảnh sát môi trường các cấp và sự phản ánh kịp thời của người dân để công tác bảo vệ môi trường thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

* Từ nay đến cuối năm 2018, Sở TN&MT sẽ tập trung những nhiệm vụ nào, thưa ông?

- Ngành TN&MT tập trung thực hiện các giải pháp: tham mưu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của quận, huyện; lập danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2019 và triển khai kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của cấp huyện theo quy định; hoàn thành quy hoạch tài nguyên nước TP Cần Thơ và Đề án xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ các dự án: Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai; dự án Điều tra thoái hóa đất TP Cần Thơ; đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại dự án để bàn giao 5% - 10% quỹ đất theo quy định, đồng thời kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển đô thị TP Cần Thơ...

* Xin cảm ơn ông!l

HÀ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết