12/09/2017 - 08:48

Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội 

Thời gian qua, Mặt trận và đoàn thể các cấp huyện Thới Lai nỗ lực triển khai thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH), góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Để thực hiện tốt hơn 2 quyết định trên, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện vừa phối hợp tổ chức tọa đàm và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để các hoạt động PBXH góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng thiết thực.

Các đại biểu tham luận tại buổi tọa đàm.

3 năm qua, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện Thới Lai đã tổ chức 57 cuộc GS, tái GS, phối hợp thực hiện 21 đợt GS; Ban Thanh tra nhân dân và Ban GS đầu tư của cộng đồng GS 723 cuộc... Qua GS, tái GS, nhận thấy các cơ quan, đơn vị khắc phục được những hạn chế yếu kém do đoàn GS đặt ra. Vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân và Ban GS đầu tư của cộng đồng được phát huy, vận động nhân dân cùng tham gia GS.

Trong PBXH, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị- xã hội (CT-XH), các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, nghị quyết văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, huyện, xã, thị trấn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân. MTTQVN các cấp đã tổ chức 78 cuộc hội nghị góp ý, phản biện, với 386 ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GS, PBXH vẫn còn hạn chế nhất định. Theo đồng chí Lý Hồng Phước, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Thới Lai, đến nay vẫn còn một số cấp ủy, cán bộ chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, công tác GS, PBXH của MTTQVN và các đoàn thể CT-XH.

Điều kiện và kinh phí hoạt động của MTTQVN các cấp, nhất là cơ sở, còn gặp nhiều khó khăn. Một số xã chưa cân đối chi kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban GS đầu tư của cộng đồng theo quy định nên hiệu quả hoạt động của các tổ chức này mang lại thấp. Hoạt động PBXH của MTTQVN chủ yếu là góp ý kiến, kiến nghị về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Bà Trần Thị Phương Ánh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Thới Thạnh, đề nghị cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động GS, PBXH; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có những ý kiến phản biện có sức lan tỏa với cộng đồng, phù hợp với chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích chính đáng của người dân, địa phương.

Còn ông Trần Hoàng Nam, Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Thạnh, đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về tầm quan trọng của PBXH, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về GS, PBXH cho đội ngũ cán bộ MTTQVN, các đoàn thể CT-XH để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch UBMTTQVN xã Trường Xuân A, cho rằng thời gian tới MTTQVN sẽ chủ động đề xuất để tổ chức Đảng và các cấp chính quyền đối thoại trực tiếp với nhân dân; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và hoạt động của các tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ MTTQVN và các đoàn thể CT-XH.

Tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Giữ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thới Lai, ghi nhận ý kiến của các đại biểu; đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để MTTQVN và các đoàn thể CT-XH phát huy vai trò, thực hiện tốt Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương của toàn hệ thống chính trị.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết