17/01/2012 - 09:19

Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ

Nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học

Học phải đi đôi với hành - Đó là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với cơ sở đào tạo; nhất là ở lĩnh vực y tế điều này càng bức thiết hơn. Bởi, cơ sở đào tạo cần phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập. Việc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ đi vào hoạt động không chỉ là nơi khám chữa bệnh cho người dân mà còn là cơ sở thực hành phục vụ hiệu quả trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên, cán bộ nhà trường...

Ngày 30-12-2011, thật ý nghĩa với thầy, trò Trường ĐHYD Cần Thơ, bởi Bệnh viện ĐHYD Cần Thơ chính thức khai trương và đi vào hoạt động. PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng trường, Giám đốc Bệnh viện, xúc động cho biết: “Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực để phát triển Trường ĐHYD Cần Thơ thành trường trọng điểm, cung cấp nguồn nhân lực cho toàn vùng ĐBSCL, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng một bệnh viện thực hành theo định hướng phát triển mô hình trường-viện của Bộ Y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng”. Nỗi trăn trở của lãnh đạo trường đã thành hiện thực: Bệnh viện Trường ĐHYD Cần Thơ chính thức hoạt động. Giai đoạn từ năm 2011-2013, bệnh viện có 32 phòng khám, cấp cứu, 8 phòng xét nghiệm, 10 phòng chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng; 50 phòng bệnh nội trú, với 100 giường bệnh...

Giờ học thực hành nha khoa của sinh viên, học viên tại phòng khám răng - hàm - mặt,
Bệnh viện Trường ĐHYD Cần Thơ. 

Có thể nói, cùng với một số bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, như: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đa khoa TP Cần Thơ, Nhi đồng Cần Thơ..., Bệnh viện Trường ĐHYD Cần Thơ đi vào hoạt động đã tạo thêm một cơ sở y tế có thể phục vụ khám, điều trị bệnh cho người dân. Quan trọng hơn đã tạo thêm cơ sở thực hành, thực tập phục vụ dạy và học cho sinh viên, giảng viên của trường. Bạn Huỳnh Đức Bảo Ngọc, sinh viên lớp Y AK36, Trường ĐHYD Cần Thơ, cho biết: “Bệnh viện của trường đi vào hoạt động, chúng tôi đi đến cơ sở thực hành gần, được thực hành trên các trang thiết bị mới, hiện đại. Y, bác sĩ của bệnh viện phần lớn là cán bộ của trường nên khi chúng tôi thắc mắc bài học, hỏi cũng dễ dàng, thoải mái hơn. Quan trọng là giảm tải áp lực cơ sở thực hành cho sinh viên y”. Cũng theo Ngọc, bệnh viện nằm trong khuôn viên Trường ĐHYD Cần Thơ nên sinh viên đến thực tập hoặc quan sát y, bác sĩ thực hành thường xuyên hơn. Ngoài ra, bệnh viện còn có Trung tâm tư vấn sức khỏe, sinh viên có thể làm thêm tại đây để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và học thêm nhiều kỹ năng mềm khác...

Phần lớn sinh viên đại học, học viên cao học của Trường ĐHYD Cần Thơ đều có cùng nhận định trên. Bởi vì, hiện nay, các sinh viên phải học theo học chế mềm dẻo kết hợp niên chế với học phần (ngay cả sinh viên y khoa trước đây đào tạo theo block); riêng ngành Y học dự phòng, Y tế công cộng, sinh viên học theo hình thức học chế tín chỉ. Theo các sinh viên, hình thức đào tạo hiện nay, kiến thức học, thực hành thực tập nhiều hơn, tập trung và nắm bài vở nhanh hơn. Trong 2 năm đầu, sinh viên học những môn cơ sở, khoa học cơ bản tại phòng thí nghiệm của trường; sang năm thứ 3, sinh viên đi thực tập lâm sàng tại một số bệnh viện lớn trong thành phố, chủ yếu tập trung vào 4 chuyên khoa (nội, ngoại, sản, nhi) và một số môn khác. Có bệnh viện, sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học có thể lấy mẩu bệnh phẩm, phỏng vấn người bệnh tại bệnh viện của trường thuận lợi hơn.

Theo Tiến sĩ Đàm Văn Cương, Trưởng khoa Y, Trường ĐHYD Cần Thơ, hiện nay, trường vẫn đang phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang để cán bộ, sinh viên trường có nơi giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với qui mô đào tạo ngày càng phát triển của trường, rất cần có thêm cơ sở thực tập, thực hành cho cán bộ giảng viên, sinh viên. Trường ĐHYD Cần Thơ có trên 7.000 sinh viên, học sinh. Tiến sĩ Đàm Văn Cương nói: “Việc thành lập bệnh viện sẽ phát huy hiệu quả đào tạo gắn nhà trường với thực tiễn cuộc sống, phát huy vai trò của người thầy giáo- thầy thuốc. Trường cũng chủ động lên kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên các bậc, hệ, nhất là học viên cao học, nhằm chuyển giao hiệu quả các kỹ thuật cao, mới cho các cơ sở y tế ĐBSCL”.

Thực tế cho thấy, chuyện thiếu đội ngũ y, bác sĩ phục vụ trong lĩnh vực y tế cho khu vực ĐBSCL như là “điệp khúc” bàn luận trong rất nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương. Có cầu ắt có cung, nên gần đây trên địa bàn thành phố “mọc” thêm nhiều cơ sở đào tạo y tế hoặc mở mã ngành y, dược. So với 10 năm trước, nếu như chỉ có duy nhất Trường Trung học Y tế Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) và khoa Y- Trường ĐH Cần Thơ đào tạo cán bộ y tế thì nay con số này tăng gấp đôi, gấp ba. Hiện nay, thành phố có 6 trường ĐH, cao đẳng, trung cấp có đào tạo các ngành ở lĩnh vực y tế, với khoảng 15.000 học sinh, sinh viên. Trong khi đó, thành phố có gần 4.000 giường bệnh (phần lớn tập trung ở quận Ninh Kiều) chỉ đáp ứng nhu cầu thực hành cho từ 8.000-10.000 sinh viên nên rất cần thêm cơ sở thực hành.

Năm 2014, Bệnh viện Trường ĐHYD Cần Thơ sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 39.000m2 tại đường Nguyễn Văn Linh, có qui mô 400 giường. Theo lãnh đạo Bệnh viện Trường ĐHYD Cần Thơ, sắp tới, trường sẽ tăng cường hợp tác với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trong điều trị, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, hợp tác với các bệnh viện, chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân; nhất là nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường...

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết