15/01/2018 - 21:29

Đồng bằng sông Cửu Long

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững  

Tại ĐBSCL, rau màu và trái cây là 2 sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn đứng thứ 2, sau lúa. Thời gian qua, các sản phẩm này không những góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp  mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để ngành hàng này phát triển bền vững trong tương lai cũng cần sự đầu tư, quy hoạch  hợp lý của các địa phương trong vùng.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Mô hình trồng rau trong nhà kính ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đảm bảo an toàn chất lượng và cho năng suất cao.Mô hình trồng rau trong nhà kính ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đảm bảo an toàn chất lượng và cho năng suất cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, sản lượng rau màu, cây ăn trái đang phát triển mạnh ở khu vực ĐBSCL. Điển hình trong giai đoạn 2012-2017, sản lượng bắp trong vùng gia tăng vượt trội từ 217,2 ngàn tấn năm 2012 lên khoảng 225 ngàn tấn năm 2017, do các địa phương tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh trong sản xuất. Các loại rau, đậu thực phẩm cũng được phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Năm 2000, tổng diện tích rau các loại toàn vùng là 96 ngàn ha, đạt sản lượng khoảng 1,18 triệu tấn; năm 2010 diện tích tăng lên 222 ngàn ha, sản lượng 3,82 triệu tấn; năm 2017 diện tích khoảng 230 ngàn ha, sản lượng đạt trên 4 triệu tấn. Riêng, cây ăn trái được trồng ở ĐBSCL với diện tích khá lớn. Đến nay, diện tích cây ăn trái toàn vùng lên xấp xỉ 300.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước. Đặc biệt trong những năm qua nhờ áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nên sản lượng cây ăn trái ở ĐBSCL gia tăng đáng kể. Sản lượng trái cây năm 2015 đạt 3,5 triệu tấn, năm 2017 ước đạt 4 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2011.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định: Nhiều cây ăn trái đặc sản có lợi thế ở ĐBSCL được phát triển nhanh và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó có một số giống đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền thương hiệu, như: xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri6, bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi, cam sành (Vĩnh Long), xoài Châu Nghệ (Trà Vinh) và một số hợp tác xã và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chất lượng quốc gia - quốc tế như: dứa VietGAP - Tiền Giang, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (GlobalGAP), GlobalGAP chôm chôm - Bến Tre... Các sản phẩm này đã tạo thêm cơ hội quảng bá thương hiệu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai cho nền nông nghiệp ĐBSCL”.

Ở TP Cần Thơ, thời gian qua, sản phẩm rau màu, cây ăn trái cũng phát triển khá nhanh. Cụ thể năm 2017, Rau màu, đậu các loại: đã gieo trồng 12.611 ha, vượt 14,23% kế hoạch, với sản lượng thu hoạch đạt 136.024 tấn, vượt 11,56% kế hoạch. Cây công nghiệp ngắn ngày đã gieo trồng được 2.519 ha, với sản lượng 2.170 tấn. Diện tích cây ăn trái là 17.121 ha, vượt 5,1% kế hoạch; sản lượng đạt 98.032 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ còn vận động nông dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh với các sản phẩm chủ lực: Xoài cát Hòa lộc (Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ), Dâu Hạ Châu (Phong Điền), Vú sữa (Phong Điền, Bình Thủy)… Sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt-VietGAP. Điển hình, hợp tác xã Trường Thuận 1 đã được chứng nhận VietGAP 9,85 ha các cây trồng như: sầu riêng, vú sữa, nhãn, mít, cam. Nhiều vườn cây ăn trái định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, đồng thời đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5- 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Trong năm 2017, ngành đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất rau an toàn và mở rộng 18 vùng sản xuất rau được cấp chứng nhận sản xuất an toàn với diện tích 229 ha. Sản lượng dự kiến hằng năm 28.390 tấn, tập trung với nhiều loại rau màu khác nhau. Đến nay, thành phố còn có 10,2 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền (quận Bình Thủy), gồm các chủng loại bí, dưa hấu, ớt, khổ qua, cà chua, dưa leo, dưa lê... Ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”.

Phát huy tiềm năng

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, để nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu, cây ăn trái, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, tổ hợp tác... Trong 5 năm qua, tổ hợp tác nông nghiệp của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có những bước phát triển mới. Điển hình, tỉnh Cà Mau hiện có tổng số 3.134 tổ hợp tác, trong đó có 1.404 tổ trồng trọt và 1.730 tổ thủy sản và là tỉnh có số tổ hợp tác phát triển nhiều nhất 13 tỉnh, thành trong vùng. Sản phẩm tạo ra từ các tổ hợp tác được bao tiêu, đảm bảo sản xuất có lợi nhuận cho nông dân.

Ở TP Cần Thơ hiện có 111 hợp tác xã nông nghiệp; 1.286 tổ hợp tác nông nghiệp; ngành nông nghiệp đang khuyến khích các hộ đủ điều kiện thành lập trang trại nhằm tăng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm… Mô hình sản xuất rau ăn lá thuộc Hợp tác xã sản xuất rau Phúc Thạnh (phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt) đã thu hút trên 50 hộ tham gia, diện tích gần 20ha. Mỗi gia đình có từ 2 người đến 5 người tham gia trồng rau, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho mỗi thành viên. Theo Hợp tác xã sản xuất rau Phúc Thạnh, với kinh nghiệm trồng rau nhiều năm kết hợp áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất; nông sản làm ra hướng đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho nông hộ. Điển hình như hẹ, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà con lợi nhuận khá cao... Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố xây dựng và hình thành vùng sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao ở các quận, huyện vùng ven. Trong đó vận động nông dân tổ chức 75 mô hình liên kết sản xuất chuyên canh rau, mỗi mô hình có 10ha, với 25 đến 30 hộ tham gia; vùng sản xuất rau, quả tươi chuyên canh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích 750 ha; xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, với 50 mô hình liên kết (20-25 hộ/mô hình); phát triển vùng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, khuyến cáo: Thời gian tới, các địa phương vùng ĐBSCL cần rà soát lại quy hoạch để sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích các hình thức sản xuất công nghiệp, trang trại, gia trại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quy trình sản xuất sạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân nông thôn, đặc biệt hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, đê kè bảo vệ sản xuất; tăng cường hệ thống nghiên cứu và sản xuất giống, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, hệ thống dịch vụ bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngăn ngừa dịch bệnh... Các hoạt động này sẽ nâng cao giá trị sản xuất và phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở ĐBSCL trong tương lai.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết