11/08/2010 - 20:27

GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH

Nâng cao giá trị hạt gạo

Lúa hè thu được phơi thủ công trên sân gạch tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.  

ĐBSCL- vùng trọng điểm lúa của cả nước, góp phần đưa hạt gạo Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, nhưng giá trị gia tăng từ xuất khẩu đạt thấp. Giá thành sản xuất cao, nông dân chịu nhiều thiệt thòi khi thị trường biến động. Trong khi đó, công nghệ sau thu hoạch là giải pháp hiệu quả để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, nhưng việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn…

Nỗi lo đầu ra cho hạt lúa...

Ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa hè thu 2010, nông dân ĐBSCL gặp nhiều khó khăn khi giá lúa xuống thấp và dưới giá thành sản xuất, nhiều nông hộ chấp nhận bán lúa giá thấp để trang trải nợ nần. Từ khi có chủ trương của Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa), giá lúa đã nhích lên nhưng thương lái, doanh nghiệp (DN) vẫn chưa đẩy mạnh thu mua vì nhu cầu thị trường đang thấp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản lượng vụ lúa hè thu 2010 vùng ĐBSCL đạt khoảng 8 triệu tấn lúa. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch khoảng 2,5 triệu tấn. Dự kiến trong tháng 8-2010, sẽ thu hoạch thêm khoảng 3 triệu tấn. Hiện giá lúa khô thường dao động khoảng 3.300-3.500 đồng/kg, 2.600-2.700 đồng/kg lúa tươi; lúa chất lượng cao hạt dài 3.900-4.100 đồng/kg. Với giá này, nông dân khó có lãi. Ông Phan Thành Lộc, nông dân ở xã Long Thắng (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Vụ hè thu này, giá thành mỗi ký lúa ít nhất là 3.500 đồng/kg. Đầu vụ, nông dân ở đây bán được giá nhất cũng chỉ 3.300 đồng/kg lúa khô, hạt tốt. Nhiều người kẹt vốn vẫn chấp nhận bán chỉ 3.100-3.200 đồng/kg. Bán lúa tươi thì càng khổ hơn. Giá lúa tăng lên chút đỉnh như hiện nay cũng chỉ bù vào một phần chi phí, coi như nông dân làm không công trên đồng ruộng suốt vụ mùa này”.

Tại cuộc họp giao ban tháng 7-2010 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) diễn ra ở Kiên Giang, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA khẳng định: “Khi có chủ trương của Chính phủ mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, VFA đã phân bổ cho gần 50 DN thu mua, đến nay sản lượng đạt trên 200.000 tấn. Với giá thu mua hiện nay, đảm bảo nông dân có lời”. Trong khi đó, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL lại cho rằng với giá thu mua hiện nay, nông dân từ hòa vốn tới lỗ. Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2010 tại tỉnh này 3.850 đồng/kg nhưng giá thu mua hiện nay chỉ 3.200-3.900 đồng/kg. “Với mức giá này nông dân không có lãi, thậm chí là lỗ nặng. Nếu đảm bảo nông dân có lãi 30% theo yêu cầu của Chính phủ, giá lúa trên thị trường phải ở mức 5.000 đồng/kg”- bà Hòa cho biết. Còn một số tỉnh tính toán, chi phí sản xuất lúa trong vụ hè thu 2010 tăng so với vụ hè thu 2009. Nguyên nhân do nắng hạn kéo dài, nhiều trường hợp phải xuống giống nhiều lần, chi phí bơm tưới, phân, thuốc cũng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên gia tư vấn kỹ thuật Công ty Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho biết: “Việc tính toán giá thành cần tính chi phí lao động của nông dân. Cách tính hiện nay chỉ dựa trên những khoản chi thực tế như giống, phân thuốc, phí bơm nước, chi phí sau thu hoạch... Trong khi, công lao động của người dân nông thôn hiện ít nhất là 45.000 đồng/ngày lại không được tính vô. Đó là chưa kể tiền thuê đất để sản xuất lúa hàng năm. Theo tôi, giá thành mỗi ký lúa hiện nay phải là 4.200-4.500 đồng/kg. Việc tính lãi 30% cho nông dân phải dựa trên các cơ sở này”. Nông dân phải vất vả trên đồng ruộng nhưng sản phẩm của mình không được bảo đảm, chịu nhiều biến động của thị trường. Giá xuất khẩu gạo Việt Nam luôn thấp hơn nhiều nước trên thế giới không phải cho chất lượng lúa của nông dân thấp mà do khâu sau thu hoạch không đảm bảo làm giảm chất lượng hạt gạo. Nông dân lại không quyết định được khâu này...

Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để nâng giá trị hạt gạo

Từ những số liệu thống kê về xuất khẩu gạo trong những năm gần đây, một số chuyên gia phân tích: Việt Nam có sản lượng gạo xuất khẩu cao hơn Hoa Kỳ 21,5% nhưng lợi tức thu được ít hơn 11,13%. Nguyên nhân chính là do phẩm chất gạo của Việt Nam chưa đồng đều, chưa dự báo được diễn biến cung- cầu thị trường. Thái Lan đã trữ lại hàng triệu tấn gạo khi giá thấp và tung ra đúng thời điểm khi giá cao. Trong khi Việt Nam, nông dân chỉ trữ lúa được 1-3 tháng, DN lại trữ không lâu do thiếu kho bãi, quy cách kho không đảm bảo nên gạo dễ bị giảm phẩm chất. Vì vậy, khi cần xuất khẩu thì DN mua vào; khi xuất khẩu gặp khó thì lúa lại tồn đọng trong dân.

“Những thiệt hại về kinh tế trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là do Việt Nam chưa có đủ kho dự trữ và bảo quản lúa phục vụ chế biến. Tập quán công nghệ chế biến của Việt Nam nói chung mà chủ yếu là vùng ĐBSCL, còn bất hợp lý, làm mất cả về số lượng và chất lượng gạo xuất khẩu. Nếu những nguyên nhân này được khắc phục, Việt Nam có thể thu được thêm ít nhất 226 triệu USD mỗi năm”- TS. Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nói. Trên thực tế, nông dân vẫn phơi lúa lan, còn việc đưa vào lò sấy để đảm bảo độ ẩm, chất lượng hạt lúa chưa được chú trọng, do chi phí vận chuyển cao. Mặt khác, khi mưa kéo dài, nhiều lò sấy quá tải. Vì vậy, nông dân khó xử lý lúa khô trong vòng vài ba ngày, có khi phải “ủ” trên đồng, không thu hoạch đúng ngày... Do thói quen sản xuất và thiếu phương tiện, nên các công đoạn sau thu hoạch không được thực hiện tập trung mà làm manh mún, kéo dài. Thông thường, lúa sau thu hoạch phải được sấy ở độ ẩm dưới 14% trước khi đưa vào bảo quản, chế biến, nhưng để nông dân tự sấy thì tỷ lệ này đến 15,5-17,5%, nên khi đưa vào xay xát, tỷ lệ gạo gãy rất cao.

Rõ ràng việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch hiện nay của vùng còn chậm, nông dân vẫn loay hoay đầu ra khi nguồn cung thị trường tăng, thị phần gạo sụt giảm. Tỉnh An Giang là tỉnh đứng đầu về cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL về số lượng máy gặt và máy sấy lúa, với 1.302 máy gặt lúa các loại và 2.210 máy sấy lúa; đảm bảo thu hoạch được 31,2% diện tích lúa đông xuân và đáp ứng nhu cầu sấy 50% sản lượng lúa hè thu. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, việc ứng dụng máy gặt lúa giúp tỷ lệ hao hụt còn dưới 1,5%, giảm 3,69% so với thu hoạch lúa bằng công lao động thủ công; thu hoạch bằng cơ giới, giảm chi phí 700.000-800.000 đồng/ha. Riêng sử dụng máy sấy lúa giúp giảm tỷ lệ hao hụt dưới 0,5%, tỷ lệ rạn nứt hạt gạo giảm đáng kể, chất lượng sản phẩm được đảm bảo... Còn tỉnh Đồng Tháp, hiện có 693 máy gặt đập liên hợp, hơn 1.000 máy gặt xếp dãy, 655 lò sấy, đáp ứng thu hoạch 45% diện tích lúa đông xuân và đáp ứng sấy lúa 18% sản lượng lúa hè thu. Riêng TP Cần Thơ, dù diện tích nông nghiệp không nhiều nhưng tổng số máy gặt đập liên hợp toàn thành phố là 271 máy, đáp ứng được 30% nhu cầu. Thời gian gần đây, An Giang và Kiên Giang xúc tiến việc xây dựng nhà máy phát điện từ trấu, máy sấy lúa đốt trấu... để tận dụng nguồn trấu dư thừa, tăng giá trị cho chuỗi giá trị hạt gạo. Theo đánh giá của giới chuyên môn, công nghệ này sẽ mở ra hướng mới cho công nghệ sau thu hoạch ở ĐBSCL.

Đầu tư công nghệ sau thu hoạch một cách hợp lý đòi hỏi phải có vai trò của Nhà nước và DN, chứ nông dân khó làm được. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xây dựng kho bảo quản, nhà máy sấy... hiệu quả thì nhà đầu tư vẫn kêu gọi được vốn nhàn rỗi trong nông dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa trong ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Nếu nông dân được tiếp cận một cách bài bản thì sẽ giải quyết được bài toán về nâng cao giá trị hạt lúa, gạo Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng.

Bài, ảnh: Thành Nguyễn

Lúa hè thu được phơi thủ công trên sân gạch tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.  

Chia sẻ bài viết