07/11/2018 - 21:31

Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đạt kết quả rất tích cực cả về lượng và giá cũng như cơ cấu, chủng loại xuất khẩu gạo ngày càng đa dạng. Tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung bình và cao, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. Gạo được đẩy mạnh xuất khẩu với giá cao, đảm bảo thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế-xã hội nói chung...

Nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ đã liên kết với nông dân sản xuất được nhiều loại gạo đặc sản, thơm, ngon phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (Trong ảnh: Sản phẩm gạo của Công ty cổ phẩn Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Tín hiệu tích cực

 Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, hằng năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Từ năm 2016, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu  đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ La-tinh, Trung Đông… Đến nay, các sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm bước đầu thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo của Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.

Gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đa dạng sản phẩm. Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Hồng Công (Trung Quốc) và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Thái Lan lâu nay có giá bán gạo cao hơn Việt Nam nhưng gần đây giá gạo Việt Nam vượt qua giá gạo Thái Lan, nhiều thời điểm trong năm nay có giá bằng và cao hơn từ 5-10 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại.

Năm 2017, nước ta xuất khẩu gạo đạt 5,79 triệu tấn, tăng 20,4% so với năm 2016, trị giá khoảng 2,62 tỉ USD, tăng 21,2%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 451,9 USD/tấn, tăng 0,7%, tương đương mức tăng 3 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016. Trong10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt 5,15 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,6 tỉ USD, tăng 6,62% về lượng và tăng 21,49% về kim ngạch so cùng kỳ. Dự báo, lượng gạo xuất khẩu năm 2018 có thể đạt trên 6 triệu tấn, với kim ngạch trên 3 tỉ USD.

Khắc phục hạn chế, nắm bắt cơ hội

Nhiều chuyên gia cho rằng, nước ta còn nhiều triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo. Song, chúng ta phải biết nắm bắt tốt các cơ hội mới và kịp thời khắc phục những khó khăn hạn chế mà ngành  gặp phải, nhất là năng lực cạnh tranh của sản phẩm gạo xuất khẩu của ta trên thị trường chưa cao do sản xuất còn nhiều bất cập, chưa gắn với thị trường. Các thương nhân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo  còn hạn chế về uy tín, vị thế và năng lực cạnh tranh, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu qua trung gian còn phổ biến, xuất khẩu sản phẩm trực tiếp với thương hiệu gạo Việt Nam còn ít. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu gạo còn phụ thuộc cao vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ lượng gạo xuất khẩu trực tiếp với thương hiệu gạo từ Việt Nam còn thấp, nhiều thị trường bị chi phối bởi trung gian.

Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cho rằng: Nông dân cần phải tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để  ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Nông dân trước hết phải tự liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã kiểu mới, sau đó mới tính tới chuyện liên kết với doanh nghiệp, bởi chỉ khi nông dân tự liên kết với nhau thành những tổ chức mạnh thì mới làm tốt sản xuất theo chuỗi giá trị và giảm được các trung gian.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, bên cạnh xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, trong thương mại gạo hiện nay chúng ta nhìn thấy cái xu hướng bảo hộ rất rõ. Bên cạnh hàng rào thuế quan, các nước còn đặt ra nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Điều này chúng ta rất khó chối bỏ vì gạo là một trong những thực phẩm liên quan mật thiết đến sức khỏe con người. Với những hàng rào, một mặt gây khó khăn, nhưng ở một mặt khác chúng ta cũng nhìn thấy phần nào khía cạnh tích cực, buộc các doanh nghiệp  cũng phải “nâng cấp” các khâu chế biến, bảo quản… để đáp ứng yêu cầu. Qua đó, bất kỳ hàng rào nào dựng lên chúng ta cũng có thể vượt qua khi chúng ta đạt được tiêu chuẩn gần như ở mức cao nhất. 

Ông Vivek Sharma, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường Đông Nam Á, Tập đoàn Phoenix cho rằng, giá gạo của Việt Nam đang ở mức khá cao, chỉ đứng sau Mỹ, điều này có phần  gây trở ngại cho việc cạnh tranh giữa gạo Việt Nam với các nguồn cung khác. Tuy nhiên, hiện nhu cầu thị trường Philippines và các thị trường truyền thống đang cần gạo trắng Việt Nam rất lớn nhưng nguồn gạo trắng Việt Nam hạn chế, hy vọng  vụ tới nguồn cung tăng, giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn. Gạo thơm của Việt Nam hiện cũng có lợi thế rất lớn trên thị trường và có thêm nhiều thị trường mới vốn không phải là thị trường truyền thống của Việt Nam như Iraq. Hiện châu Âu là thị trường mà gạo Việt Nam chưa thâm nhập được nhiều, nhưng với Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU, tới đây hy vọng gạo Việt Nam vào thị trường này tốt hơn.

Ngành gạo nước ta bắt đầu xuất khẩu những năm 90, nhưng thị trường Trung Quốc mới mở đối với chúng ta khoảng hơn 5 năm. Theo ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), Trung Quốc là thị trường khổng lồ nhưng cũng rất phức tạp trong triển vọng. Chúng ta phải làm sao để tận dụng cơ hội, tận dụng thị trường Trung Quốc, đồng thời phát triển nhiều thị trường khác một cách bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết