15/12/2010 - 22:02

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cá tra

Vùng nuôi cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang được ứng dụng nhiều tiêu chuẩn mới, thích ứng với thị trường.

Giá cá tra xuất khẩu hiện tăng lên mức trên 3 USD/kg, giá cá tra nguyên liệu từ 23.000- 23.500 đồng/kg, khẳng định sức cạnh tranh trên thị trường của con cá tra Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần liên kết lại để thương hiệu cá tra Việt Nam tiếp tục đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cá tra…

Đầu tháng 12-2010, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh, từ 19.500 đồng/kg lên 21.000 đồng/kg và hiện tăng vọt lên mức 23.000- 23.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang), cho biết: “Giá cá tra nguyên liệu tăng là tín hiệu vui, kéo người nuôi cá quay trở lại với nghề. Với giá cá nguyên liệu loại I ở mức 23.000- 23.500 đồng/kg, người nuôi có thể lãi 5.000- 6.000 đồng. Hộ nuôi 1 ha có thể lãi từ 1,5- 1,8 tỉ đồng”. Theo ông Đạo, người nuôi cá tra ở Tiền Giang đang có xu hướng quay lại với con cá tra, hiện diện tích mặt nước chuyên nuôi khoảng 200 ha. Tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng nuôi đến 900 ha và khuyến cáo người nuôi áp dụng các phương pháp nuôi an toàn, gắn vùng nguyên liệu với chế biến xuất khẩu; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nuôi.

Có thể nói, ngành sản xuất, chế biến cá tra đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng ĐBSCL trong những năm qua. Trong 3 năm qua, giá cả thị trường, xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu đã làm con cá tra Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại, nhưng sự nỗ lực của người nuôi, doanh nghiệp và các ngành chức năng đã đưa con cá tra đến trên 133 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá cạnh tranh, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiều thị trường khó tính. Loại thủy sản này hiện chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2010, diện tích mặt nước nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL khoảng 6.000 ha, dự kiến kim ngạch xuất khẩu trị giá khoảng 1,4 tỉ USD. Đó là chưa kể giá trị tăng thêm từ phụ phẩm, phế phẩm cá tra tương đương 70% trọng lượng, mang lại nguồn thu đáng kể ước tính lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với chế biến phi lê xuất khẩu. Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), cho biết: “Hiện hay, công ty đã ứng dụng khoa học vào sản xuất để biến 70% phụ phẩm, phế phẩm cá tra thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Cuối năm 2010, sản phẩm nước mắm từ cá tra ra đời cung cấp cho thị trường Mỹ, châu Âu và nội địa. Năm 2011, sẽ có dầu ăn, collagen chiết xuất từ cá tra được xuất khẩu rộng rãi. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác, mang lại nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp và người nuôi. Nếu như xuất khẩu phi lê cá tra lời 1 thì sản xuất hàng giá trị gia tăng từ cá tra có thể lời đến 10”.

Hiện nay, nhiều vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL theo mô hình liên kết “4 nhà” rất được quan tâm. Các nhà khoa học liên tục nghiên cứu và đưa vào thực tiễn các phương pháp chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra. Phần lớn doanh nghiệp chế biến cá tra lớn trong vùng đều xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy, ứng dụng các kỹ thuật nuôi an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế vào vùng nuôi như đánh mã vạch trên cá tra ở An Giang. Người nuôi luôn tìm tòi, ứng dụng các kỹ thuật mới, đảm bảo các tiêu chí chế biến xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các tỉnh, thành ở ĐBSCL có diện tích nuôi lớn đều có quy hoạch vùng nuôi và khuyến cáo người nuôi tập trung sản xuất an toàn, liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu quy mô lớn, ổn định. Tiên phong trong công tác này là tỉnh An Giang, năm 2003- 2004, tỉnh này đã ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi cá tra theo tiêu chuẩn SQF-1000 CM. Hiện nay, tiêu chuẩn Global GAP cũng được áp dụng rộng rãi ở các vùng nguyên liệu trong tỉnh. Theo thống kê của Trung tâm giống thủy sản An Giang, từ đầu năm 2009 đến nay, đã có 450 triệu con cá tra bột và hơn 12 triệu con giống có truy xuất nguồn gốc thủy sản được tung ra thị trường, cung cấp cho người nuôi trong tỉnh, khu vực ĐBSCL. Nhiều công ty Nataco, Việt An... ở An Giang ứng dụng tiêu chuẩn này vào vùng nuôi để có nguồn nguyên liệu an toàn, cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Mặc dù vấp nhiều rào cản trên thị trường, nhưng thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra xuất khẩu hiện ở mức 3 USD/kg và có khả năng sẽ tăng nữa. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng vừa phải, phòng ngừa giá tăng trong thời gian tới... Điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết lại, thống nhất giá sàn xuất khẩu, tạo ra vùng nuôi an toàn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính, tránh thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người nuôi.

Bài, ảnh: Du Miên

Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF):

ĐƯA CÁ TRA, BA SA VIỆT NAM RA KHỎI DANH MỤC ĐỎ

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngày 15-12, ông Mark Powell, phụ trách Chương trình thủy sản toàn cầu của WWF, đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam. Tại đây, WWF thừa nhận kết quả đánh giá sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam là do dựa trên các nguồn thông tin chưa đầy đủ và thiếu chính xác dẫn đến đưa vào danh mục đỏ trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng ở một số quốc gia châu Âu, gây tổn hại đến uy tín thương hiệu cá tra, ba sa Việt Nam. Ông Mark Powell khẳng định: WWF toàn cầu nhất trí đưa cá tra, ba sa nuôi tại Việt Nam ra khỏi danh mục đỏ trong các tài liệu, cẩm nang của tổ chức này. Đồng thời sẽ có thông báo khuyến khích người tiêu dùng châu Âu tiếp tục mua cá tra, ba sa của Việt Nam…

T.N


Chia sẻ bài viết