17/04/2018 - 10:23

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ

Nâng cao chuỗi giá trị bánh dân gian Nam bộ 

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ VII - năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 29- 4 có chủ đề “Cội nguồn chiếc bánh quê hương”, với nhiều điểm mới về nội dung và phương thức tổ chức. Đây cũng được xem là cơ hội để quảng bá, nâng cao chuỗi giá trị bánh dân gian Nam bộ trong xu thế hội nhập. Trao đổi về công tác chuẩn bị Lễ hội, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, cho biết:

- Lễ hội năm nay diễn ra trên 20 chương trình hoạt động. Đã có 200 gian hàng được đăng ký tham gia trưng bày và giới thiệu, gồm: 30 gian hàng bánh dân gian truyền thống, 44 gian hàng bánh dân gian phát triển, 26 gian hàng ẩm thực dân gian và 100 gian hàng đặc sản vùng miền.

20 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia Lễ hội, gồm: Hà Nội, Cần Thơ, Yên Bái, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… Các đơn vị liên doanh gồm: Pháp (bánh mì, bánh nướng), Nhật (Sushi), Indonesia (bánh cà phê), Malaysia (bánh nướng cari), Ý (kem, bánh kem), Thái Lan (bánh ngọt), Hàn Quốc (bánh gạo, bánh ngọt) và sự tham gia của Tập đoàn Brainworks là khách mời danh dự, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tham gia giới thiệu văn hóa và ẩm thực Nhật Bản.

Bên cạnh đó, còn có 32 nghệ nhân đến từ 9 quận, huyện của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, dự thi 42 loại bánh và trình diễn 37 loại bánh phục vụ du khách.

* Ông vui lòng cho biết những điểm nhấn của Lễ hội lần này là gì?

- Đầu tiên, đó là khu trình diễn các loại bánh dân gian, tái hiện lại không gian miệt vườn sông nước ngày xưa với các dụng cụ và nghệ nhân trực tiếp thực hiện: xay bột, quết bánh phồng, giã cốm dẹp, gõ bánh in, se bánh tằm bằng tay… Cùng với đó là khu đặc trưng các loại bánh dân gian của các dân tộc Nam bộ: bánh ống, bánh củ cải, bánh gừng, bánh ớt, bánh num-bon, bánh bầu, bánh Namparang (bánh vú)… Cục Văn hóa Cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ cũng sẽ tổ chức Hội thi làm bánh dân gian, với mong muốn phát hiện và giới thiệu những bí quyết làm bánh, những loại bánh ngon ở các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, Lễ hội năm nay có khu bánh dân gian tự chọn được bố trí trong không gian nhà có hệ thống điều hòa, với trên 40 loại bánh dân gian đặc trưng.

Một điểm nhấn khác là không gian chè quê với hình thức mua bán hát hò vè, có hơn 30 loại chè (từ truyền thống đến sáng tạo) do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức. Có 10 đội đến từ các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng tham gia hoạt động này.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trò chơi dân gian, tái hiện con đường bánh, Hội thảo “Công nghệ bảo quản và bao bì đóng gói bánh dân gian”…

* Ông vừa nhắc đến Hội thảo “Công nghệ bảo quản và bao bì đóng gói bánh dân gian”. Kỳ vọng của Ban tổ chức ở Hội thảo này là gì, thưa ông?

- Bánh dân gian thường gặp khó khăn ở khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm, bao bì, nhãn mác. Do vậy, bánh dân gian Nam bộ phần nhiều không thể bảo quản được lâu, điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo nên chưa tiếp cận được thị trường tiêu dùng, nhất là xuất khẩu. Ngoài ra, sức ép từ các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh không hề nhỏ. Làm sao đáp ứng các yêu cầu: mẫu mã, bao bì, hạn sử dụng lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng, để bánh dân gian Nam bộ trở thành sản phẩm được sử dụng hằng ngày, không phải chỉ đến dịp lễ, Tết. Có như thế, bánh dân gian mới đi sâu vào đời sống đương đại. Đó cũng sẽ là điều mà Hội thảo này bàn đến.

* Ông nhận định gì về triển vọng bánh dân gian Nam bộ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở các địa phương?

- Theo tôi, du khách khi đến các địa phương Nam bộ, ngoài tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu văn hóa thì hoạt động trải nghiệm làng nghề, cùng người dân chế biến thức ăn, tìm hiểu ẩm thực bản địa, bánh dân gian... rất được yêu thích. Hiện một số địa phương của TP Cần Thơ đã triển khai các hoạt động trải nghiệm nhưng chưa nhiều và quy mô còn nhỏ lẻ. Tiềm năng bánh dân gian còn lớn, tài hoa và sức sáng tạo của nghệ nhân trong đời sống rất phong phú. Vì vậy, rất cần sự phối hợp giữa nghệ nhân và các công ty lữ hành, du lịch để phát huy lợi thế này.

Nghệ nhân đến từ huyện Vĩnh Thạnh (phải) hướng dẫn du khách nước ngoài tráng bánh đa. Ảnh: DUY KHÔI

* Thưa ông, những vấn đề còn gặp phải ở các mùa Lễ hội trước như rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm, tự nâng giá… sẽ được Ban tổ chức khắc phục như thế nào?

- Chúng tôi sẽ siết chặt những vấn đề này bằng cách tổ chức những đoàn kiểm tra thường xuyên, liên tục trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội. Năm nay, chúng tôi đã hạn chế tối đa những gian hàng không thuộc lĩnh vực bánh dân gian, ẩm thực và ngăn chặn tình trạng bán hàng rong trong khu vực của Lễ hội. Các bãi giữ xe cũng đã được bố trí rộng rãi, hợp lý, tránh tình trạng ùn ứ…

Ban tổ chức đã gửi nội quy đến các đơn vị tham gia và có ký cam kết chịu trách nhiệm về hàng hóa, thực phẩm, thức ăn; phải niêm yết giá bán và bán đúng bảng giá công khai, bán đúng các mặt hàng đã đăng ký; hằng ngày gửi mẫu thực phẩm cho Ban Tổ chức để lưu... Riêng đối với các gian hàng không niêm yết giá, không bán đúng mặt hàng đã đăng ký, Ban Tổ chức có quyền chấm dứt hoạt động của gian hàng và sẽ xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Ban tổ chức cũng rất mong ý thức từ khách tham quan Lễ hội trong việc bỏ rác đúng chỗ, giữ vệ sinh chung nhằm tạo cảnh quan lịch sự, văn hóa.

* Xin cảm ơn ông!

 

Chia sẻ bài viết