10/08/2017 - 21:33

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Vì sự thịnh vượng của cộng đồng
Bài cuối: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách 

Theo Chiến lược phát triển của Ngân hàng Chính sách và Xã hội (NHCSXH), phấn đấu đến năm 2020, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ đạt 41.000 tỉ đồng, tăng 46% so với thực hiện năm 2016 và tăng trưởng bình quân khoảng 10%. Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến năm 2020, các chương trình tín dụng chính sách phải được triển khai sát hợp với tình hình thực tế địa phương; đảm bảo nguồn vốn chính sách đến tay người vay kịp thời để phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

   Các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn cho hộ vay về hồ sơ, thủ tục vay vốn của NHCSXH.

 

Đi vào chất lượng

Thực hiện “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ”, tín dụng chính sách đã lan tỏa từ cấp tỉnh, thành phố đến huyện, xã. Người dân được trực tiếp xét chọn các đối tượng vay vốn và giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách.

NHCSXH đã tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị-xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, mục tiêu của NHCSXH là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp. Phấn đấu tăng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tối thiểu đạt 10% mỗi năm.

Tại hội nghị Tổng kết 5 năm (2012-2016) thực hiện “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Phải xem tín dụng chính sách là công cụ của Đảng và Nhà nước, kết hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ. Đối với tín dụng chính sách ưu đãi cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, Nhà nước ưu đãi về lãi suất và bỏ vốn cấp bù nên đây cũng là công cụ tài khóa của Nhà nước. Tín dụng chính sách vừa có ý nghĩa kinh tế, chính trị xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn chặt với chính sách giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là công cụ của dân, do dân và vì dân”.

Nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ, NHCSXH tiếp tục quan tâm triển khai chương trình cho vay nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Nông dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An gặt lúa chạy lũ trong vụ hè thu 2017. Ảnh: CTV

Nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình tín dụng chính sách, nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục củng cố các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Xem đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, là cơ sở vững chắc để tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng mới. Theo ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của NHCSXH vì đây là cánh tay nối dài của NHCSXH. 

Do đó, Chi nhánh phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác thường xuyên củng cố, kiện toàn hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn kết hợp củng cố liền canh, liền cư để tạo điều kiện cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và Vay vốn hoạt động. Tổ có hoạt động tốt, ổn định thì chất lượng tín dụng chính sách mới được nâng lên. Song song đó, Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ cũng tiếp tục hoàn thiện và củng cố các mặt hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tiếp sức kịp thời và đúng cách

Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm qua các dự án, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, các bộ ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao cho NHCSXH cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp cũng như có cơ chế riêng để xử lý nợ đối với những hộ vay vốn không có khả năng trả nợ như chương trình cho vay nhà vượt lũ ĐBSCL, đặc biệt là đối với chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần quan tâm bổ sung cơ chế chi phụ cấp cho Trưởng ấp trong công tác giám sát, quản lý vốn vay. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tăng cường công tác chỉ đạo và hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, đặc biệt đối với thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Ban giảm nghèo, Trưởng ấp, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; duy trì hoạt động của các Tổ đôn đốc, thu hồi nợ khó đòi. Song song đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo: Các ủy, chính quyền địa phương các cấp vùng ĐBSCL phải tăng cường chỉ đạo, điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách.

NHCSXH phải tiếp tục tập trung nhân lực, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các địa phương trong vùng ĐBSCL. Tập trung cho vay một số chương trình, đối tượng trọng tâm, trọng điểm, như cho vay giải quyết việc làm, cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHCSXH cần phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất kiến nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách tín dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Từ nay đến năm 2020, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong khu vực. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã.

Đồng thời, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách. Chú trọng phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

Để hoạt động tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ phát triển theo hướng ổn định, bền vững, ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kiến nghị: Chính phủ cần bố trí tăng nguồn vốn và nâng hạn mức cho vay đối với chương trình tín dụng chính sách-xã hội tại ĐBSCL để NHCSXH mở rộng hoạt động tín dụng.

Đồng thời, có cơ chế xử lý nợ tồn đọng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008-2010, chương trình cho vay nhà ở cụm tuyến dân cư vượt lũ.

Tăng cường nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và NHCSXH huy động để cho vay chương trình đào tạo nghề ở nông thôn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp… nhằm hạn chế tín dụng đen ở nông thôn. Từ đó giúp cho người lao động có việc làm, yên tâm trong cuộc sống.

MINH HUYỀN 

Chia sẻ bài viết