09/08/2017 - 22:37

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Vì sự thịnh vượng của cộng đồng
Bài 3: Chất lượng tín dụng chưa đồng đều 

ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước, phát triển mạnh về kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, du lịch... Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của vùng còn cao và còn 8,46% năm 2016, diện tái nghèo lớn. Vì vậy, tín dụng chính sách cho hộ nghèo vùng Tây Nam bộ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có sự vào cuộc của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính bản thân các hộ vay vốn.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Theo đánh giá của NHCSXH, nhìn chung, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội với hoạt động tín dụng chính sách tại một số nơi chưa được gắn kết.

Từ đó dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, một số người vay vốn chưa chấp hành việc trả nợ, trả lãi cho ngân hàng.

Một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh còn cao, tỷ lệ thu nợ đến hạn thấp. Một số chương trình tín dụng tiềm ẩn rủi ro dẫn đến gia tăng nợ quá hạn như: Chương trình cho vay mua nhà trả chậm ĐBSCL, cho vay hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn nước ngoài, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL luôn chịu nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận. Ảnh: M. HUYỀNNông dân trồng lúa ở ĐBSCL luôn chịu nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận. Ảnh: M. HUYỀN

Thời gian qua, hoạt động ủy thác cho vay tại khu vực Tây Nam bộ của các tổ chức chính trị-xã hội còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức.

Bà Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Chất lượng tín dụng chưa đồng đều tại một số cơ sở, nhiều trường hợp hộ vay bỏ địa phương, một số cơ sở hội chưa tham gia đầy đủ các phiên giao dịch. Một bộ phận hộ nghèo vay vốn còn chây ỳ và có tư tưởng ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Chẳng hạn như hạn mức vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp, chỉ 6 triệu đồng/1 công trình/hộ nên chưa đủ để trang bị dụng cụ chứa nước mưa, nước ngọt phòng chống hạn mặn trong mùa khô…

Tổ Tiết kiệm và Vay vốn là cánh tay nối dài của NHCSXH trong việc thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác của các Tổ này ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Một số nơi chưa tích cực, chủ động phối hợp với NHCSXH trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu và thực hiện các công đoạn ủy thác.

Đặc biệt là việc kiểm tra sau khi cho vay, đôn đốc hộ vay trả nợ và lãi vay. Một số thành viên trong Tổ không tham dự đầy đủ các buổi họp giao ban, không nắm được các chính sách mới về tín dụng ưu đãi nên việc triển khai thực hiện đôi khi còn lúng túng và vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác.

 Hiện nay, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời.

Do đó, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc cân đối bố trí nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Tây Nam bộ. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương của một số tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ bố trí để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế, bình quân mỗi địa phương trong khu vực mới đạt 72 tỉ đồng, trong khi mức bình quân chung của cả nước đạt gần 127 tỉ đồng/địa phương.

Hộ vay dễ bị tổn thương

Nhờ chương trình tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tại ĐBSCL có nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất.

Nhiều hộ vay làm ăn có hiệu quả mong muốn được vay vốn với số tiền lớn hơn, thời hạn dài hơn để đầu tư phát triển quy mô, diện tích sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng lợi nhuận và đảm bảo sinh kế.

Tuy nhiên, nhiều hộ vay vốn lo ngại khi điều kiện sản xuất đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường trước.

Nông dân vùng ĐBSCL dễ rơi vào tình trạng tái nghèo do tác động của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Tình trạng khô hạn diễn ra ở nhiều địa phương tại ĐBSCL vào mùa khô năm 2016 làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh kế của người dân. Ảnh: CTVNông dân vùng ĐBSCL dễ rơi vào tình trạng tái nghèo do tác động của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Tình trạng khô hạn diễn ra ở nhiều địa phương tại ĐBSCL vào mùa khô năm 2016 làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh kế của người dân. Ảnh: CTV

Do không có đất sản xuất nên chị Nguyễn Thị Nga, nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ thuê 13 công đất của hộ lân cận để trồng lúa và trồng rau màu. Mấy năm qua, nhờ vay được 10 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH, vợ chồng chị đầu tư mua được máy phát cỏ và máy bơm nước để tưới rẫy và bơm nước cho ruộng lúa. Nhờ chí thú làm ăn nên kinh tế gia đình chị Nga đã dần ổn định.

Hai vợ chồng chị Nga đang dành dụm để trả khoản nợ 10 triệu đồng của NHCSXH và lo chi phí nuôi 2 đứa con đi học. 

Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Cuộc sống gia đình tôi hiện giờ đã đỡ hơn trước. Nhưng tôi rất lo vì làm ruộng mưa nắng, sâu bệnh thất thường, dễ thất mùa. Nếu như vậy sẽ không có tiền trả tiền thuê đất, chi phí phân thuốc, lãi ngân hàng, tiền cho con cái ăn học. Nhiều lúc cũng muốn vay thêm vốn để thuê đất canh tác nhưng lại sợ trả nợ và gốc không nổi”.

Thực hiện “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ”, tình trạng nợ quá hạn tại các địa phương đã được kiềm chế và đẩy lùi, song mức độ bền vững chưa cao. Nguy cơ nợ quá hạn có xu hướng tăng trở lại do tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình.

Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp. Song, đây cũng là lĩnh vực chịu nhiều yếu tố tác động và dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của người dân.

Nông dân ĐBSCL đang đối mặt với hàng loạt thách thức như: biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường, tình trạng hàng giả, hàng nhái… Nông dân sản xuất nông nghiệp là chính nhưng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; sản phẩm nông nghiệp thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá, phải tiến hành “giải cứu”.

Trong những năm qua, kết quả giảm nghèo tại vùng Tây Nam bộ có sự đóng góp rất lớn của NHCSXH, đáp ứng nguồn vốn lớn cho khu vực còn nhiều khó khăn này.

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trăn trở: “Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng nguồn vốn tín dụng tại khu vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách".

Theo ông Sơn Minh Thắng, chất lượng tín dụng có nhiều chuyển biến tốt nhưng chưa đồng đều, chưa ổn định và còn thấp so với các khu vực khác. Lẽ đó, chương trình tín dụng chính sách vùng ĐBSCL rất cần có những giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, hạn chế và bước vào giai đoạn củng cố vững chắc hơn nữa.

     MINH HUYỀN

(Còn tiếp)

Bài cuối: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Chia sẻ bài viết