08/08/2017 - 08:48

Nâng Cao Chất Lượng Tín Dụng Chính Sách
Vì sự thịnh vượng của cộng đồng
Bài 1: Nỗ lực khơi thông nguồn vốn 

Qua 5 năm thực hiện “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ” giai đoạn 2012-2016, tín dụng chính sách của ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng 10,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là kết quả nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các tổ chức chính trị-xã hội chung tay đưa vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tín dụng chính sách đã và đang tiếp sức giảm nghèo bền vững ở vùng Tây Nam bộ.

 

Giai đoạn 2012-2016, dòng vốn tín dụng chính sách ở ĐBSCL đã được khơi thông đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo… nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của vùng. Các ngành hữu quan cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vùng Tây Nam bộ đã sát cánh, tạo mọi điều kiện để NHCSXH hoạt động, hỗ trợ các hộ vay có nguồn vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Giao dịch viên Phòng Giao dịch NHCSXH quận Bình Thủy phát vay cho các hộ mới thoát nghèo của phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Giao dịch viên Phòng Giao dịch NHCSXH quận Bình Thủy phát vay cho các hộ mới thoát nghèo của phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Đưa nguồn vốn đến người nghèo

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, NHCSXH đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển khu vực Tây Nam bộ của Đảng và Nhà nước, tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Đến 31-12-2016, tổng dư nợ các chương trình này tại khu vực Tây Nam bộ đạt 27.838 tỉ đồng với trên 2.062 nghìn khách hàng còn dư nợ, tăng 64,5% so với cuối năm 2011.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012-2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của toàn quốc 1,8%. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như: Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng… Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn Trung ương đạt 27.113 tỉ đồng, chiếm 97,4% trên tổng dư nợ, còn lại là dư nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương.

Có 8 chương trình tín dụng chính sách có dư nợ lớn, chiếm gần 94% tổng dư nợ. Bao gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh-sinh viên, cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, cho biết: Thời điểm lập Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ, toàn TP Cần Thơ có 49/85 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, đến cuối năm 2016, thành phố không còn xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn được kiện toàn và từng bước đi vào ổn định.

Các tổ viên được sắp xếp theo cụm dân cư liền kề; việc bình xét cho vay được thực hiện nghiêm túc. Các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tổ chức họp định kỳ, giao dịch và họp giao ban hằng tháng tại Điểm giao dịch xã, phường. Hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích và có thói quen dành dụm gửi tiết kiệm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả.

Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, cho biết: Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong khu vực Tây Nam bộ đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp tại khu vực Tây Nam bộ đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc thực hiện ủy thác cho vay, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại những địa bàn yếu kém; nhất là việc củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.

Đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội 

Đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng 93,8% so với trước khi có Chỉ thị 40 và tương đương 453 tỉ đồng. Một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác tại địa phương cao như: Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Long An, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng…

Đồng Tháp là địa phương có nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH cao nhất so với các tỉnh, thành trong khu vực với trên 208 tỉ đồng. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của tỉnh Đồng Tháp luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội gắn liền với công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam bộ đã quan tâm, hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác và hỗ trợ cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay trên địa bàn.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, UBND thành phố và các quận, huyện quan tâm chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương qua Chi nhánh là 121,5 tỉ đồng. TP Cần Thơ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Chi nhánh triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn…

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, thời gian qua, ban cán sự Đảng, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các ngân hàng thương mại đã dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện tối đa cho NHCSXH trong việc ban hành các cơ chế chính sách có liên quan và đảm bảo nguồn vốn cho vay, giúp NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, khẳng định: “Thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp chặt với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành ĐBSCL, các tổ chức chính trị triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng".

"Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa cho NHCSXH hoạt động an toàn và hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ NHCSXH tìm kiếm các nguồn vốn để cho vay nhất là nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế; nguồn vốn của các địa phương dành cho công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm; hỗ trợ NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách có trọng tâm, trọng điểm và đến đúng đối tượng thụ hưởng".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Bài 2: Đúng mục đích, giảm rủi ro

Chia sẻ bài viết