24/03/2015 - 09:41

Bệnh viện Quân y 121

Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân suy thận mãn

Để đáp ứng nhu cầu chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân ở ĐBSCL bị suy thận mãn, Bệnh viện Quân y 121 (số 1, đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều) vừa trang bị thêm 7 máy chạy thận Fresenius Medical care 4008 B nhằm chuẩn bị triển khai phương pháp lọc máu bằng kỹ thuật HDF-online để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Vào cổng bên trong của Bệnh viện Quân y 121, rẽ trái là gặp ngay Khoa Thận nhân tạo. Khoa có 20 giường bệnh/20 máy lọc thận, nằm trong khuôn viên rộng rãi, biệt lập với các khoa - phòng khác, hoạt động của khoa Thận nhân tạo cũng đặc biệt hơn. Từ 3 giờ 30 phút sáng, y, bác sĩ đã có mặt để khởi đầu ngày làm việc mới. Khoa không có giường bệnh nội trú, nhưng trong từng ca trực, y, bác sĩ gần như thuộc cả tên lẫn họ và quê quán bệnh nhân, bởi hầu hết bệnh nhân bị suy thận mãn, phải đến bệnh viện chạy thận đều đặn 3 lần/tuần. Tổng cộng diện này có 85 người, người nhỏ tuổi nhất 40 tuổi (anh Lê Văn Lạc, ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) và người cao tuổi nhất là 89 tuổi (cụ Trần Văn Thái, ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Ngoài ra, khoa còn lọc thận cấp cứu bệnh nhân mắc những căn bệnh khác.

Trong căn phòng rộng, vách kiếng trong suốt, 20 máy lọc thận được bố trí đối diện nhau, trên hai đầu vách có 2 chiếc tivi màn ảnh lớn để bệnh nhân có thể thư giãn trong thời gian lọc thận. Thân nhân người bệnh ngồi ở dãy ghế bên ngoài. Quá trình bệnh nhân lọc thận luôn có điều dưỡng theo dõi máy, thăm hỏi bệnh nhân. Bác sĩ điều trị và y tá hành chính ca trực thì làm việc ở căn phòng đối diện, vừa dễ dàng quan sát bệnh nhân, vừa sẵn sàng tư vấn hoặc giải đáp thắc mắc của thân nhân người bệnh. Hầu hết bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Từ đầu năm nay, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có nhiều quy định mới, do chưa kịp thông hiểu nên bệnh nhân và thân nhân người bệnh có nhiều thắc mắc. Qua quan sát, không chỉ y tá hành chính mà cả điều dưỡng và bác sĩ trực đều nhiệt tình giải đáp, giúp bệnh nhân được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế. Bác sĩ Lê Văn Luân, Trưởng khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Quân y 121, nói: Nếu chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, thì mỗi tuần tốn gần 2 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại. Chế độ bảo hiểm y tế là cứu cánh của bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân diện hộ nghèo được miễn phí hoàn toàn nên bệnh viện tích cực hướng dẫn, đảm bảo quyền lợi thanh toán viện phí bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tuyền đang lọc thận cho cụ Trần Văn Hoàng.  

Anh Trần Văn Út (con của bệnh nhân Trần Văn Hoàng, 81 tuổi, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), đưa giấy chuyển viện (từ BV ĐK Trung ương Cần Thơ) cho cô Nguyễn Thị Mai, điều dưỡng trưởng của khoa, làm thủ tục nhập viện lọc thận định kỳ cho ông Hoàng trong năm nay, được ân cần dặn dò: “Anh nhớ giữ bản photocopy các giấy chuyển viện từ tuyến xã đến tuyến huyện và tuyến tỉnh Sóc Trăng để làm thủ tục chuyển viện năm 2016 cho cụ”. Cô Mai còn dặn thêm: “Cuối năm nay, khoa sẽ cấp cho bệnh nhân giấy xác nhận điều trị, gia đình chỉ cần liên hệ với BVĐK Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân không phải thực hiện lại quy trình tái khám từ tuyến cơ sở”. Anh Trần Văn Út cho biết: “Ngoài suy thận, cha tôi còn bị khô não, luôn ôm đầu rên đau nhức. Để đến bệnh viện này, chúng tôi phải đưa cha khám từ y tế xã, đến bệnh viện huyện rồi tỉnh. Đi lại nhiều nơi, chúng tôi rất lo cha không chịu nổi. Được bệnh viện chỉ cho cách làm giấy chuyển viện dễ dàng như vậy, tôi mừng quá”. Chị Trần Thị Mỹ, (cháu bệnh nhân Trần Văn Thái, 89 tuổi), ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, nói: “Do nhà xa, gia đình đăng ký cho ông nội tôi chạy thận ca đầu tiên. Hôm nào cũng vậy, khi ông nội tôi đến, các cô điều dưỡng chuẩn bị sẵn máy, drap giường sạch sẽ, chúng tôi rất hài lòng với cách phục vụ của bệnh viện”.

Còn nhớ, từ năm 2013 trở về trước, số bệnh nhân chạy thận thường xuyên ở Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Quân y 121 khoảng trên 150 người. Hiện nay, do BVĐK Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và BVĐK tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Khoa Thận nhân tạo, nhiều bệnh nhân chuyển về địa phương điều trị. Cuối năm 2014, khoa được bệnh viện trang bị thêm 7 máy chạy thận Fresenius Medical care 4008 B có tính năng ưu việt hơn các máy đang sử dụng. Theo Đại tá – BSCKII Nguyễn Minh Thuần, Giám đốc Bệnh viện Quân y 121: “Bệnh viện đầu tư trang thiết bị cho các khoa để đội ngũ phát huy năng lực chuyên môn. Hệ thống thiết bị mới nhằm giúp khoa Thận nhân tạo triển khai phương pháp lọc máu bằng kỹ thuật HDF-online”. Bác sĩ Lê Văn Luân, Trưởng khoa Thận nhân tạo, nói: “Đây là kỹ thuật lọc máu qua màng bụng, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, muốn triển khai thành công, bệnh viện phải quản lý tốt đối tượng điều trị, hướng dẫn người nhà biết cách chăm sóc bệnh nhân như vai trò của điều dưỡng. Việc này, khoa Thận nhân tạo phải thực hiện từng bước, một cách cẩn trọng và phấn đấu thực hiện thành công trong năm nay”.

Tin rằng với nhiệt tâm của đội ngũ y, bác sĩ khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Quân y 121 sẽ góp phần thực hiện thành công kỹ thuật điều trị mới, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết