07/09/2018 - 21:03

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL 

Phát triển nguồn nhân lực nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có dân tộc Khmer nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Xoay quanh vấn đề trên, Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến đồng chí Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc.

Nhiều chủ trương, chính sách  

Vùng ĐBSCL có khoảng 7% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, sống chủ yếu ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực khá toàn diện để tạo điều kiện cho đồng bào DTTS, trong có dân tộc Khmer. Điển hình là Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc; Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị định 134/2006/NĐ-CP và Nghị định 49/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới; Quyết định 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015; Nghị định 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ về dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS…

Từ những chủ trương, chính sách trên, các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn; các địa phương tích cực tổ chức thực hiện và đạt được kết quả quan trọng. Qua đó, đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ các chỉ tiêu đạt được về nâng cao thể lực; phát triển trí lực; nâng cao kiến thức xã hội, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển về giáo dục và đào tạo, về y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; đào tạo và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc.

Thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg, công tác giáo dục đào tạo vùng dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục các cấp học được đầu tư xây dựng; quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên là người DTTS được các địa phương quan tâm thực hiện, số lượng và chất lượng từng bước được nâng lên. Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những bước phát triển, góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo vùng dân tộc. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS (Khmer, Hoa, Chăm) được thực hiện tốt, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Tất cả 9 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều tổ chức dạy tiếng Khmer với khoảng 358 trường, trên 2.960 lớp; có 5/9 địa phương tổ chức dạy tiếng Hoa. Tỉnh An Giang tổ chức dạy song ngữ Việt - Chăm lớp 1, 2 và 3 cho con em đồng bào dân tộc Chăm…

Ngoài ra, các chính sách cấp học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; chính sách giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng đặc biệt khó khăn được các địa phương thực hiện kịp thời theo quy định. Các địa phương còn thực hiện một số chính sách có tác động đến phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, như: dự án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng bằng nguồn vốn của Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực các DTTS

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện có đối với vùng đồng bào DTTS. Trong đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tập trung thể chế hóa Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 và một số chính sách giáo dục khác.

Lớp học Pali-Khmer tại Chùa Bảy Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: SƠN MALAI

Vụ Địa phương III - Ủy ban Dân tộc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương; tham mưu, đề xuất Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; lộ trình thực hiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer trong thời kỳ mới; đề xuất chính sách đầu tư xây dựng Trường THCS - THPT dân tộc nội trú ở những huyện có đủ tiêu chí; trường bán trú tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; tăng chỉ tiêu, mở rộng đối tượng, địa bàn tuyển sinh vào các trường THPT dân tộc nội trú cấp tỉnh; nâng mức học bổng cho học sinh dân tộc nội trú và định mức hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú; có chính sách phù hợp việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Quan tâm hơn nữa công tác cán bộ, có chế độ ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ người DTTS.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm thu hẹp khoảng cách với mặt bằng chung trong khu vực và của cả nước; xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ và lao động người dân tộc Khmer có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nên ngoài sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc, cần được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

THANH LONG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết