25/10/2018 - 07:48

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo 

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), TP Cần Thơ đã đạt được thành tựu đáng kể, xứng tầm vị thế trung tâm đồng bằng trong lĩnh vực giáo dục.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Tháng 11-2013, Nghị quyết 29 đã được ban hành, đánh dấu bước chuyển mới trong hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của cả nước. Tại Cần Thơ, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 47-CT/TU ngày 11/02/2014 về “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đã có 14 văn bản cụ thể hóa các vấn đề về GD&ĐT của HĐND, UBND thành phố được xây dựng và triển khai, hướng đến phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 29.


Giờ tập thể dục của học sinh Trường THCS Hưng Phú, một trong số trường đạt chuẩn quốc gia của quận Cái Răng. Ảnh: B.KIÊN

Hằng năm, từ nguồn xổ số kiến thiết, thành phố ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Năm 2013, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục trong kế hoạch là 391 tỉ đồng; năm 2014 là trên 660,6 tỉ đồng và năm 2017 là trên 681,7 tỉ đồng. Cấp ủy đảng, chính quyền, ngành giáo dục tập trung chỉ đạo triển khai việc đổi mới ở từng bậc học theo hướng hiện đại… Nhờ vậy, sau 5 năm, GD&ĐT thành phố đạt nhiều thành tựu đáng kể; trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt trên 61%. Cụ thể, quận Bình Thủy có 25/33 trường đạt chuẩn quốc gia; huyện Thới Lai có 30/45 trường đạt chuẩn quốc gia... Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, năm 2018 huyện phấn đấu xây dựng 3 trường chuẩn quốc gia; năm 2019 và 2020, ngành tiếp tục tham mưu xây mới 6 trường. Lộ trình đến năm 2020, trường đạt chuẩn quốc gia ở Thới Lai sẽ đạt 90%.

Hệ thống trường lớp đầy đủ, đạt chuẩn, đã tạo động lực phát triển về chất lượng giáo dục của địa phương. So với năm 2013, hiện nay tỷ lệ công dân 15-35 tuổi biết chữ của thành phố đạt 99,70% (tăng 0,63%), tỷ lệ công dân 15-60 tuổi biết chữ đạt 98,95% (tăng 3,09%). Thành phố có 85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; bậc tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 và đạt chuẩn THCS mức độ 1. Đặc biệt năm 2014, Bộ GD&ĐT công nhận TP Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; là 1 trong 10 địa phương đi đầu trong cả nước. Trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên ngày càng tăng: 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn; trong đó, cán bộ quản lý có trình độ trên chuẩn chiếm 87,6% (tăng 4% so với 2013).

Đổi mới theo hướng hiện đại

Thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục thành phố còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục ở các bậc học. Mô hình Trường Điển hình đổi mới (thực hiện từ năm học 2016-2017) được tập trung chỉ đạo, nhằm triển khai nhiều hoạt động cụ thể hóa đổi mới tư duy giáo dục ở các bậc học, cấp học. Theo kế hoạch xây dựng Trường Điển hình đổi mới trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020 mà UBND TP Cần Thơ phê duyệt, tổng kinh phí thực hiện trên 89,2 tỉ đồng. Lộ trình đến năm 2020 thực hiện mô hình này ở 22 trường (8 mầm non, 5 tiểu học; 5 trường THCS, 4 trường THPT).

Theo cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 29 đến từng cơ sở giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên... về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Từ đó, vận dụng vào quá trình quản lý, giảng dạy tại các trường. Hiện tất cả 16 trường tiểu học, 2 trường THCS đã tổ chức thực hiện mô hình Trường học mới. “Những năm học đầu khi triển khai dạy thí điểm, giáo viên còn lúng túng với phương pháp mới, phụ huynh lo ngại về chất lượng. Đến nay, đội ngũ giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm và thành thạo trong việc tổ chức thực hiện giảng dạy theo mô hình Trường học mới. Phụ huynh đã yên tâm, học sinh mạnh dạn tự tin và tích cực hơn trong việc học”, cô Phương nói.

Cụ thể, tại Trường THCS An Thới (quận Bình Thủy), một trong số trường thực hiện mô hình Trường học mới, có 80 cán bộ, giáo viên (giáo viên trên chuẩn đạt hơn 91%), đáp ứng yêu cầu dạy và học cho trên 1.900 học sinh. Cô Trần Thị Phương Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới, cho biết: “Trong các hoạt động đổi mới, nổi bật là sự phối hợp giữa trường với Hội Cựu chiến binh phường An Thới được duy trì từ năm 2013 đến nay, với các buổi giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh. Nhờ cách làm này, 3 năm qua, trường không có học sinh xếp loại hạnh kiểm kém. Trường đang nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn quốc gia vào tháng 11-2018”.

Còn nhớ chuyến khảo sát của Đoàn Công tác liên ngành của Trung ương làm việc với TP Cần Thơ về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, bên cạnh ghi nhận nỗ lực của TP Cần Thơ trong thực hiện Nghị quyết 29, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, yêu cầu: Thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 29 trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp GD&ĐT. Thành phố cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện mạnh mẽ hơn Nghị quyết 29, trở thành một trong những địa phương có chất lượng GD&ĐT đi đầu cả nước.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết