15/08/2017 - 20:48

Trường Cao đẳng Cần Thơ

Nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp 

Những năm qua, Trường Cao đẳng Cần Thơ (CĐCT) nỗ lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút thí sinh dự tuyển vào trường. Đi đôi công tác tuyển sinh năm 2017, trường còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp.

Gần 2.000 chỉ tiêu đợt 2

Kết quả tuyển sinh đợt 1-2017 của Trường CĐCT, có hơn 1.800 thí sinh trúng tuyển 25 ngành cao đẳng. Ở đợt 2, trường tuyển thêm gần 2.000 chỉ tiêu; trong đó có 134 chỉ tiêu cho 7 ngành sư phạm.

Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐCT, cho biết: “Tuyển sinh năm nay có thuận lợi là điểm sàn cao và số thí sinh đạt từ mức điểm 13,5 đến 19,5 điểm nhiều. So với năm 2016, chất lượng và số lượng thí sinh vào trường hiện nay rất khả quan”.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hệ thống phần mềm hỗ trợ cho các trường ĐH, CĐ khối ngành sư phạm lọc thí sinh ảo chung 6 lần, rồi mới gửi danh sách thí sinh để các trường điều chỉnh. Dữ liệu của thí sinh mà các trường có được chính xác, giảm áp lực về số thí sinh ảo cho các trường, trong đó có cả Trường CĐCT.

Sinh viên Khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Cần Thơ trong chuyến đi thực hành,  thực tế. Ảnh: CTV

Sinh viên Khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Cần Thơ trong chuyến đi thực hành, thực tế. Ảnh: CTV

Giống như đợt 1, đợt 2, trường vẫn tuyển thí sinh có hộ khẩu ĐBSCL; dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia hoặc lấy điểm học bạ cuối năm lớp 12 của thí sinh. Riêng khối ngành sư phạm, trường chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu ở TP Cần Thơ từ 3 năm trở lên; thí sinh sẽ được kiểm tra tác phong sư phạm; riêng 2 ngành mầm non, giáo dục thể chất, phải thi thêm môn năng khiếu. Thí sinh nộp hồ sơ từ ngày 13-8 đến 25-8 (đối với các ngành sư phạm) và thi năng khiếu vào ngày 28-8; từ ngày 2-8 đến 18-8 (đối với các ngành ngoài sư phạm).

Khoa Khoa học- Xã hội và Nhân văn là một trong những khoa thuộc trường thu hút khá đông thí sinh vào học trong những năm gần đây. Quy mô đào tạo của khoa hiện nay 1.114 SV, với 5 ngành cao đẳng. Đợt 1- 2017, khoa có 150 thí sinh trúng tuyển vào 3 ngành (Quản trị Du lịch dịch vụ và lữ hành, Việt Nam học, Quản trị văn phòng).

Thạc sĩ Huỳnh Thị Bảo Trâm, Phó Trưởng Khoa  Khoa học - Xã hội và Nhân văn cho biết: “Ngành Quản trị Du lịch dịch vụ và lữ hành, Việt Nam học là 2 ngành thu hút nhiều thí sinh hiện nay, bởi, ĐBSCL có tiềm năng phát triển du lịch khá lớn. Vài năm gần đây, du lịch Cần Thơ phát triển, xuất hiện nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… nên rất cần nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch”.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Giải quyết tốt việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp sẽ góp phần thu hút thí sinh vào trường, đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng trong kiểm định chất lượng đào tạo. Thời gian qua, trường đã và đang đẩy mạnh hoạt động này, đi đôi với đầu tư nguồn lực phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Với hơn 40 năm phát triển, nguồn lực cơ sở vật chất, con người của trường đủ đáp ứng quy mô đào tạo hơn 8.000 HSSV. Trường hiện có 65 phòng học, 7 giảng đường, 6 phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh; khu ký túc xá trên 2.000 chỗ…; Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học, cùng 2 trường mầm non và tiểu học thực hành. Tất cả là điều kiện tốt để HSSV tham gia kiến tập sư phạm và thực tập tốt nghiệp. Trường hiện có trên 390 cán bộ, công chức; trên 60% giảng viên có trình độ sau đại học.

Từ năm 2017, mọi hoạt động của trường đều theo cơ chế quản lý nhà nước của ngành lao động- thương binh và xã hội. Riêng khối sư phạm, hoạt động chuyên môn thực hiện theo Bộ GD&ĐT. Trường đang từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động quản lý, đào tạo của trường.

Để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trường đang điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo các ngành sư phạm, đổi mới theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế giảng dạy ở trường phổ thông, đặc biệt là chủ động cập nhật kịp thời chương trình sách giáo khoa mới của ngành GD&ĐT.

Còn các ngành ngoài sư phạm, trường sẽ chuyển hẳn sang đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, tăng thời lượng thực hành, giảm giờ học lý thuyết, kết nối doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học.

Theo thạc sĩ Huỳnh Thị Bảo Trâm, khung chương trình đào tạo trước đây, phần thực hành chiếm 20%-30%, còn lại lý thuyết, nay phần thực hành chiếm ít nhất 50%. Vì thế, mỗi giảng viên phải nỗ lực học tập, rèn luyện nhiều hơn, bằng cách cập nhật chương trình mới, tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng và thực hành thực tế tại các cơ sở doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn. Từ đó cập nhật kiến thức mới để truyền đạt cho HSSV đạt hiệu quả hơn.

Cô Trâm nói: “Năm học 2017-2018 là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới này. Tuy nhiên, trước đây, giảng viên của khoa đã có kinh nghiệm hướng dẫn SV đi thực tế; thực hành tại doanh nghiệp. Khoa đã ký kết hợp tác về đào tạo với một số đơn vị du lịch, lữ hành, nhà hàng… Đây là điều kiện giúp SV cọ xát với doanh nghiệp, cơ hội tìm việc làm sau tốt nghiệp cao hơn”. Qua thống kê, khoảng 90% SV của khoa có việc làm sau tốt nghiệp và trên 60% làm việc đúng chuyên ngành.

Theo lãnh đạo Trường CĐCT, trường đã thành lập Trung tâm Tư vấn việc làm nhằm tạo “cầu nối” liên kết giữa doanh nghiệp - nhà trường và HSSV để tăng cơ hội việc làm. Cuối tháng 3-2017, trường phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên Cần Thơ (Thành đoàn Cần Thơ) tổ chức “Ngày hội tư vấn- giới thiệu việc làm” cho khoảng 3.000 HSVS vừa tốt nghiệp. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm cho biết: “Trường tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo”. 

B.Kiên

Chia sẻ bài viết