06/05/2018 - 16:35

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ

Nâng cao chất lượng đào tạo 

Trong 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo các ngành, nghề trọng điểm các cấp, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (CTEC) có 5 ngành đào tạo cấp quốc gia. Đây là nền tảng giúp trường nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho thành phố và ĐBSCL.

Gắn kết với doanh nghiệp

Buổi ký kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng học sinh sinh viên giữa CTEC và Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phước- Tập đoàn Hòa Phát vào đầu tháng 5 đã mở thêm một kênh nâng cao chất lượng đào tạo cho trường. Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng CTEC, trong thời gian hợp tác, công ty hỗ trợ ăn, ở, làm việc, sinh hoạt cho học sinh, sinh viên chuyên ngành chăn nuôi, chăn nuôi- thú y, dịch vụ thú y... khi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp. Giảng viên trường có cơ hội tiếp cận thực tế sản xuất của đơn vị, bổ sung kiến thức mới vào bài giảng. Nhà trường có thể cùng đơn vị hiệu chỉnh chương trình phù hợp với tiêu chuẩn ngành, thực tiễn sản xuất...

CTEC giúp người học cọ xát thực tế sản xuất, rèn luyện  kỹ năng mềm. Trong ảnh: Học sinh sinh viên tham gia trưng bày sản phẩm khởi nghiệp.    

Từ đầu năm 2018 đến nay, có ít nhất 3 công ty, doanh nghiệp ký kết hợp tác với CTEC. Trong đó, CTEC thừa ủy quyền UBND TP Cần Thơ ký kết với Công ty VAIO của Nhật Bản thực hiện “Dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo tiếng Nhật và xây dựng Nông trường kiểu mẫu”. Dự kiến tháng 8-2018, trại thực nghiệm 10ha sẽ triển khai, là nơi thầy trò CTEC giảng dạy, thực hành. Theo Thạc sĩ Lê Hoàng Thanh, Trưởng khoa Công nghệ- Thủy sản, CTEC, hằng năm, trường, khoa đều tổ chức hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; trong đó Ngày hội Tuyển dụng học sinh sinh viên là hoạt động truyền thống, tạo điều kiện để nhà tuyển dụng tiếp cận với nguồn nhân lực được đào tạo từ nhà trường, giải quyết việc làm.

CTEC còn tăng cường đầu tư nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, kết hợp đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh sinh viên… 5 năm gần đây, hằng năm 75%-94% học sinh sinh viên của trường có việc làm sau tốt nghiệp; ở một số ngành, tỷ lệ này là 100%.

Bước tiến mới

CTEC được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn giao nhiệm vụ đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo cấp độ quốc gia, quốc tế, khu vực ASEAN. Trường có 5 ngành đào tạo cấp quốc gia: Chế biến thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi gia súc- gia cầm, Thú y, Kế toán; thuộc 3 khoa: Công nghệ- Thủy sản, Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Kế toán. Đây là những ngành thuộc thế mạnh đào tạo của trường, có tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp rất cao.

Theo Thạc sĩ Lê Hoàng Thanh, Trưởng khoa Công nghệ- Thủy sản, CTEC đào tạo ngành Chế biến thực phẩm từ năm 2004; số lượng tuyển sinh hằng năm trên 300 sinh viên. Trên 90% học sinh sinh viên ngành này có việc làm sau khi tốt nghiệp; riêng năm 2017, tỷ lệ này là 100%. Khoa hiện có gần 900 học sinh sinh viên; với 27 cán bộ, giảng viên cơ hữu, phần lớn có trình độ sau đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học. Việc ngành Chế biến thực phẩm được chọn là một  trong những ngành đào tạo trọng điểm cấp quốc gia là cơ hội để việc gắn kết đào tạo giữa khoa, trường với doanh nghiệp đi vào chiều sâu, bền vững hơn. Cán bộ, giảng viên có nhiều cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; học sinh sinh viên được thực hành thực tập với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, chế biến trong nước.

Chuyển sang hoạt động dưới sự quản lý của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, CTEC từng bước cải tiến nội dung chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực hành (trên 50% khối lượng chương trình), gắn kết với doanh nghiệp, giúp người học sớm tiếp cận môi trường làm việc, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội... Tiến sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung cho biết: CTEC đã hoàn thiện dự án đào tạo các ngành trọng điểm cấp quốc gia và đang chờ phê duyệt. Việc được chọn đào tạo 5 ngành trọng điểm giúp trường nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học; bởi trường sẽ được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý… 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết