30/11/2012 - 09:01

Nâng cao chất lượng cán bộ công chức xã

Cán bộ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đang giải quyết hồ sơ cho người dân.

Ngày 29-11-2012, Bộ Nội vụ phối hợp với Tạp chí Tổ chức Nhà nước tổ chức Hội thảo "Đánh giá 3 năm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ". Ông Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước chủ trì Hội thảo. Lãnh đạo TP Cần Thơ, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Sở Nội vụ, Trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Đà Nẵng trở vào... đã tham dự Hội thảo.

Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" được Nhà nước đầu tư gần 26 ngàn tỉ đồng để đào tạo lực lượng lao động nông thôn, trong đó có đào tạo cán bộ công chức (CBCC) xã. Một trong những mục tiêu của đề án là đến năm 2020 sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho 100.000 lượt CBCC xã và nguồn cán bộ thay thế. Trong 3 năm qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các tỉnh, ban, ngành, Trường chính trị triển khai xây dựng 26 bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các chức danh CBCC xã giai đoạn đến năm 2015; tổ chức hơn 40 lớp bồi dưỡng thí điểm theo các bộ tài liệu mới biên soạn cho trên 2.000 CBCC xã của các địa phương trên cả nước. Hiện nay, cả nước có 1.926 giảng viên nguồn tham gia các lớp tập huấn để làm nòng cốt cho các lớp tập huấn giảng viên tại các địa phương.

Cần đội ngũ cơ sở mạnh

Nắm bắt cơ hội tốt này, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp đội ngũ CBCC xã có được các kỹ năng chuyên môn phục vụ tốt cho công việc. Tại Cần Thơ, hàng năm UBND TP Cần Thơ đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ CBCC. Đến nay, toàn thành phố đã đào tạo trình độ đại học cho 491 lượt; đào tạo 898 lượt về chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC xã. Qua đó, từng bước kiện toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền ở cơ sở. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn kiên quyết thay thế những CBCC không đủ tiêu chuẩn, làm việc không hiệu quả và có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác tại xã, phường, thị trấn, từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC cấp xã. Theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, để thực hiện tốt Đề án 1956, thời gian qua thành phố đã nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã theo vị trí việc làm phù hợp với mô hình quản lý giữa đô thị và nông thôn; thực hiện tốt công tác quy hoạch và bố trí sử dụng CBCC sau đào tạo một cách hợp lý, đúng sở trường chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với CBCC xã… từng bước kiện toàn bộ máy chính quyền.

Tại tỉnh Trà Vinh, có trên 30% đồng bào dân tộc Khmer, đội ngũ CBCC xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 67,86%. Đa số những người hoạt động không chuyên trách ở xã chưa qua đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên nên việc bố trí vào nguồn các chức danh cán bộ, công chức theo chuẩn quy định gặp nhiều khó khăn. Từ khi triển khai thực hiện Đề án 1956, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức và những người hoạt động bán chuyên trách ở xã. Ngoài ra, bằng cơ chế chính sách khuyến khích tài năng trẻ, tỉnh đã thu hút hơn 400 sinh viên tốt nghiệp đại học, tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ CBCC xã. Ông Bùi Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Thời gian qua, tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ CBCC xã nên có những đột phá trong công tác bố trí, sắp xếp lại đội ngũ này. Qua đó, tỉnh cũng đã ban hành quy chế về quy định tiêu chuẩn những người hoạt động không chuyên trách ở xã, tạo điều kiện cho các đối tượng này học tập nâng cao trình độ để bố trí vào các chức danh CBCC".

Theo Bộ Nội vụ, qua 3 năm triển khai thực hiện đề án 1956, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các tỉnh, ban, ngành triển khai xây dựng 26 bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các chức danh cán bộ, công chức xã giai đoạn đến năm 2015; tổ chức hơn 40 lớp bồi dưỡng thí điểm theo các bộ tài liệu mới biên soạn cho trên 2.000 cán bộ công chức xã của các địa phương trên cả nước. Các địa phương cũng đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương tổ chức các lớp đào tạo CBCC xã, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ và chuẩn hóa của đội ngũ này.

Còn vướng mắc

Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC theo đề án 1956 nhằm xây dựng một đội ngũ CBCC xã đủ mạnh, có thể thích ứng với những diễn biến phức tạp của xã hội để đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, việc triển khai tập huấn chuyên môn cho CBCC cấp xã chưa có chương trình chuẩn, chỉ dừng lại "cầm tay chỉ việc" nên chất lượng bồi dưỡng chưa mang lại hiệu quả, còn mang tính chắp vá, thiếu tính đồng bộ, chuyên nghiệp. Việc tập huấn theo bộ tài liệu do thời gian bồi dưỡng quá dài, trong khi nhân lực của xã ít, vừa học nâng cao trình độ, vừa tham gia công tác nên rất khó tập trung học viên lâu ngày. TP Cần Thơ đề nghị Bộ Nội vụ cho phép rút ngắn thời gian triển khai, tập huấn để địa phương dễ tiến hành tổ chức và có hướng dẫn phương pháp thực hành của từng chuyên đề.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre, cho biết: "Tỉnh Bến tre là một trong những tỉnh nghèo của ĐBSCL, kinh tế chưa phát triển mạnh nên ngân sách dành cho công tác này còn hạn hẹp, cán bộ được cử đi học rất ngán ngại về kinh phí do phần lớn phải tự túc về ăn, ở". Còn tại Cà Mau, mặc dù từ đầu năm UBND tỉnh đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC xã, nhưng sự phối hợp trong việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã chưa sát thực tế; đội ngũ CBCC xã luôn biến động nên việc đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn gặp không ít khó khăn. Theo ông Trần Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, có sự trùng lắp, chồng chéo và thiếu đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã theo đề án 1956 và Quyết định 1374 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, kinh phí phân bổ theo đề án 1956 quá chậm và kinh phí dành cho CBCC xã còn ít so với nhu cầu đào tạo hiện nay.

Theo ông Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Đề án 1956 là cơ hội tốt để các địa phương đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế xã hội chuyên sâu cho đội ngũ CBCC xã, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình này nhằm giúp các địa phương có nguồn đội ngũ CBCC xã có tầm, tương thích với xu thế phát triển của đất nước. Thực hiện đề án này cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực của đội ngũ CBCC xã, giúp địa phương ngày càng phát triển…

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết