24/03/2015 - 09:26

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, TP Cần Thơ có 22 học sinh đạt giải, tăng 5 giải so với năm 2014. Có đến 21 thí sinh đạt giải là học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (quận Bình Thủy), đặc biệt có giải Nhất và Nhì. Đây là bứt phá thành công trong đào tạo học sinh giỏi, dẫn đầu khu vực ĐBSCL về số lượng học sinh giỏi quốc gia...

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phong trào thi đua, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng xem công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ giáo dục quan trọng. Việc phát hiện và tuyển chọn học sinh giỏi là khâu quan trọng, quyết định phần lớn chất lượng học sinh giỏi và được nhà trường hoạch định từ khi học sinh trúng tuyển lớp 10. Học sinh trải qua những đợt kiểm tra chuyên hằng tháng, sau đó nhà trường tổ chức đợt thi để chọn ra nhóm đội tuyển để tập trung bồi dưỡng. Nhóm đội tuyển này gồm 15 em/môn, tùy theo môn học, các học sinh này sẽ thi để tuyển chọn 5-6 học sinh đạt yêu cầu tham gia kỳ thi Olympic (đề thi tương đối khó), tạo điều kiện cọ xát, hướng đến kỳ thi quốc gia. Cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, cho biết: Để “đứng chân” vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, học sinh trải qua nhiều lần thi. Cụ thể từ năm lớp 10 đến 11, học sinh có ít nhất 3 lần tham gia kỳ thi tuyển chọn tại trường. Với sự cọ xát ngay từ đầu cấp, chất lượng đội tuyển tiếp tục nâng lên và gặt hái thành công.

Quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi thầy cô đóng vai trò quan trọng, với phương châm giáo viên phải làm cho học sinh yêu thích môn học thì giảng dạy mới đạt hiệu quả. Qua đó thôi thúc học sinh hình thành phương pháp tự học, với học sinh là nhân vật chính, thầy cô giáo có vai trò gợi mở, giúp học sinh tìm tòi tài liệu, đào sâu và nắm vững kiến thức. Chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Nguyễn Hoàng Phủ, Tổ trưởng tổ bộ môn Pháp văn, nói: Điều cần thiết trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi chính là niềm đam mê của học sinh và nhiệt tình của giáo viên. Ngoài việc truyền thụ kiến thức mới, chúng tôi định hướng năng lực tự học, tự rèn, tự nghiên cứu tài liệu.

 Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố trao bằng khen cho học sinh đạt giải cao trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia năm 2015.

Số tiết quy định của Bộ cho từng môn rất ít, việc đảm bảo học sinh lĩnh hội kiến thức nền chắc chắn và cả chuyên sâu thì không đủ. Theo sự phân công của nhà trường, trong tuần mỗi bộ môn tăng 3 tiết dạy học sinh trong đội tuyển. Ngoài ra, quá trình giảng dạy, thầy cô đăng ký với trường dạy thêm để học sinh bổ sung kiến thức. Em Nguyễn Diệp Xuân Quang, học sinh lớp 10 chuyên Tin học, đạt giải Ba môn Tin học, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nói: “Khó khăn lớn nhất là dành thời gian ôn luyện. Em cũng như các thành viên đội tuyển thực hiện tốt bài tập thầy cô yêu cầu và tìm hiểu thêm bài tập nâng cao. Chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho cuộc thi, cố gắng đạt giải để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô

Ngoài đội ngũ giáo viên được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi, mỗi phân môn có ít nhất 1 giáo viên đảm trách. Mặt khác còn đội ngũ giáo viên trẻ khác tham gia bồi dưỡng ngoài giờ, giúp học sinh nắm và hiểu thấu đáo vấn đề hơn. Giáo viên chủ nhiệm gắn bó với học sinh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, để trao đổi, chia sẻ với giáo viên bộ môn, giúp học sinh hiểu rõ quyền lợi khi tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để yên tâm học tập. Ngoài ra, giáo viên bộ môn gần gũi, chia sẻ vui buồn, để học sinh gắn bó với bộ môn yêu thích. Cô Cao Thị Ngọc Hà cho biết thêm: “Quá trình bồi dưỡng, giáo viên và học sinh dạy và học trên tinh thần tự nguyện. Để bài giảng thêm phong phú, sinh động, thầy cô giáo dành thời gian truy cập internet tìm nguồn tài liệu từ các website hoặc các cựu học sinh của trường... Thời gian tới, nhà trường mời đội ngũ chuyên gia các trường ĐH, trường chuyên có thành tích cao để bồi dưỡng cho giáo viên và học sinh.

Xác định công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia là nhiệm vụ hàng đầu, 25 năm qua, nhà trường giữ vững thương hiệu chất lượng mũi nhọn, với 403 giải quốc gia, từng có giải Nhất, Nhì và học sinh tham gia đội tuyển Olympic quốc tế. Đạt thành tích trên, ngoài nỗ lực của học sinh, phải kể đến các thầy cô tận tâm, tận lực trong bồi dưỡng đội tuyển. Từ việc truyền đạt, chăm bồi kiến thức khoa học, trau dồi, rèn luyện kỹ năng, tổ chức các đội tuyển học thỉnh giảng các chuyên gia đến việc chăm lo sức khỏe, động viên tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh bước vào kỳ thi đỉnh cao cấp THPT. Cô Nguyễn Thị Anh Lương, có 9 năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học, chia sẻ: “Đặc thù môn Hóa đòi hỏi học sinh nắm vững lý thuyết, có tư duy nhạy bén để giải toán tích hợp. Giáo viên đầu tư nhiều công sức, cập nhật và giúp học sinh tiếp cận kiến thức hữu hiệu. Ngoài việc bám sát chương trình chuyên của Bộ, chúng tôi theo sát kỳ thi quốc tế, chắt lọc kiến thức cần thiết, để soạn chuyên đề chủ đề theo phân phối chương trình thi”.

Thầy Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: Bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Việc tạo nguồn học sinh giỏi được chuẩn bị ngay từ cấp THCS, có động thái chăm bồi và định hướng cụ thể cho học sinh. Để động viên, khuyến khích tinh thần học tập, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc thường xuyên khen thưởng học sinh đạt giải. Thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hơn nữa chất lượng tạo nguồn học sinh giỏi, không những trường chuyên mà mở rộng các trường THPT khác”.

Có thể thấy, với nhiều biện pháp quyết liệt của ngành giáo dục, sự quyết tâm, cố gắng không ngừng của thầy trò, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của thành phố đạt kết quả đáng ghi nhận. Mong rằng, đây là động lực để Cần Thơ tiếp tục cố gắng, góp phần nâng cao chất lượng mũi nhọn những năm tới.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết