14/09/2018 - 14:45

Nạn gian lận nghiên cứu khoa học “nở rộ” ở Trung Quốc 

Áp lực để có được nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thị trường làm giả công trình nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc.

Năm ngoái, tạp chí nghiên cứu ung thư Tumor Biology trong động thái khiến cộng đồng khoa học chú ý đã gỡ 107 bài nghiên cứu họ từng đăng tải. Khi một tạp chí khoa học rút ấn phẩm, đó là dấu hiệu cho thấy có sai phạm.

Chính sách tài trợ hào phóng, chi thưởng “khủng” là một trong những nguyên nhân khiến nạn gian lận nghiên cứu bùng nổ ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo thông báo của Tumor Biology, các bài bị gỡ bỏ do quá trình bình duyệt (peer review) bị dàn xếp và hầu hết tác giả là người Trung Quốc. Để có thể đăng tải và công nhận, một nghiên cứu phải được bình duyệt bởi nhiều nhà khoa học khác. Đây được coi là tiêu chuẩn đảm bảo tính khách quan, thẩm định chất lượng bài báo khoa học, đảm bảo tác giả không sao chép ý tưởng, đạo văn và chứng minh nghiên cứu có đóng góp đáng kể cho khoa học. Năm 2016, Tumor Biology cũng đã gỡ 25 bài báo với cùng lỗi gian lận bình duyệt.

Vụ bê bối này không chỉ ảnh hưởng uy tín của giới khoa học Trung Quốc mà còn phơi bày thách thức đối với cộng đồng khoa học toàn cầu.

Trung Quốc dưới lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ, hướng tới mục tiêu giành giải Nobel khoa học. Ngoài chương trình của chính phủ thu hút nhân tài ở nước ngoài về phục vụ đất nước, các trường đại học Trung Quốc cũng có chính sách thưởng “khủng” và cơ hội thăng tiến dành cho học giả có nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học uy tín.

Tuy nhiên, áp lực để có những công trình mang tính đột phá luôn là gánh nặng với các nhà khoa học Trung Quốc. Không riêng giới này, Giáo sư Cong Cao tại Đại học Nottingham Ningbo cho biết ở Trung Quốc, kể cả sinh viên mới tốt nghiệp tới bác sĩ có chuyên môn nếu muốn thăng chức đều phải có bài báo hoặc công trình nghiên cứu nhất định. Mục tiêu các chính sách là khuyến khích sáng tạo, nhưng nó cũng tạo điều kiện cho thị trường “chợ đen” gian lận nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ, đáp ứng mọi yêu cầu từ làm giả báo cáo khoa học, dàn xếp bình duyệt thậm chí toàn bộ kết quả nghiên cứu với đầy đủ số liệu, dữ kiện cần thiết.

Trong khoa học, việc sắp xếp thứ tự tác giả bài báo phản ánh mức độ đóng góp của họ đối với nghiên cứu. Vị trí này có thể tác động đáng kể đến uy tín và cơ hội thăng tiến của một nhà khoa học. Nhưng trong “thế giới ngầm” ngành khoa học Trung Quốc, một người chỉ cần trả tiền “bản quyền”  là có thể đứng tên đầu tiên trên những công trình nghiên cứu mà họ thậm chí không thực hiện.

“Lỗ hổng” trong ngành khoa học

Theo Ivan Oransky, người đồng sáng lập trang mạng Retraction Watch chuyên tìm hiểu gỡ bỏ những bài viết khoa học gian lận, một báo cáo bị gỡ bỏ là bình thường nếu do chính tác giả phát hiện có sai sót trong quá trình nghiên cứu và yêu cầu rút ấn phẩm. Nhưng nếu số lượng các bài viết bị gỡ bỏ ngày càng tăng với 2/3 có dấu hiệu gian lận, đây chính là thách thức nghiêm trọng đối với nền khoa học toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc dường như đang là “tâm điểm” của vấn nạn này.

Theo Giáo sư Cao, để xác định tính thật giả các nghiên cứu của tác giả Trung Quốc là thách thức thật sự đối với cộng đồng khoa học quốc tế. Điều này không chỉ tổn hại nghiêm trọng hình ảnh, uy tín giới khoa học trong nước mà còn ảnh hưởng quan hệ hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền Bắc Kinh hồi tháng 5 đã công bố chương trình cải cách nhắm vào hành vi sai trái trong ngành khoa học. Song, Tiến sĩ Oransky nhìn nhận quy trình này vẫn tồn tại xung đột lợi ích tiềm ẩn. Theo ông, điều cần thiết hiện nay là chiến lược rõ ràng thúc đẩy sự cởi mở, chia sẻ và minh bạch dữ liệu, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học giám sát công việc của nhau. Ngoài ra, cần có cơ chế đảm bảo quy trình thẩm định sau khi nghiên cứu được công bố.

MAI QUYÊN (Theo ABC News)

Chia sẻ bài viết