28/11/2015 - 16:23

Nan giải chuyện học văn hóa của vận động viên

Sau khi phải tập luyện với khối lượng vận động khá cao vào ban ngày, đến tối, các vận động viên (VĐV) năng khiếu thể thao còn phải vào lớp học văn hóa, với chương trình không khác gì so với những trường phổ thông. Kết quả là rất ít VĐV có thể vươn tới thành tích cao trong tập luyện, thi đấu và con đường học văn hóa của họ cũng khó nối dài sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Mới tới tiết học thứ hai, nhưng Trung Hào- thủ môn của đội U19 Cần Thơ- đã tỏ ra mệt mỏi, gần như không còn tiếp thu được bài giảng của thầy. Vừa trở về sau giải U19 quốc gia, Trung Hào ra sân tập luyện 2 buổi sáng- chiều tại Trung tâm TDTT Cần Thơ và sau giờ tập, lại gấp gáp cùng các đồng đội xách cặp vở sang Trường Phổ thông Năng khiếu (PTNK) TDTT Cần Thơ để học chương trình lớp 10. Ở lứa tuổi 16, sức lực khỏe mạnh và dẻo dai nhưng Trung Hào cũng chỉ có thể tập trung học tốt tiết đầu, sau đó thì uể oải.

Cậu bé học sinh tiểu học (số 512) rút về đích trong cuộc thi chạy việt dã huyện Phong Điền lần I-2014. Thể thao học đường phát triển mạnh sẽ là nền tảng cho những tài năng thể thao vươn xa hơn.

Cũng như VĐV các môn thể thao khác, khoảng hơn 1 năm nay, lứa cầu thủ trẻ của Cần Thơ do Trung tâm TDTT Cần Thơ tuyển sinh và quản lý, được gởi học văn hóa tại Trường PTNK TDTT Cần Thơ. Vừa tập luyện, đi thi đấu, các VĐV vừa phải đảm bảo việc học văn hóa. Mặc dù khối lượng tập luyện ở năm đầu tiên của lứa cầu thủ này chưa quá nặng, nhưng Trung Hào cũng như các VĐV khác, đều "hụt hơi" khi vào lớp học ban đêm.

Việc học văn hóa của VĐV lâu nay là bài toán nan giải của ngành thể thao ở các địa phương. Có nơi gởi VĐV học tại các trường phổ thông, có nơi gởi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng tại Cần Thơ, Trường PTNK TDTT thành lập năm 2010, là nơi tập trung dạy văn hóa từ bậc trung học phổ thông trở xuống cho VĐV. Cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Hiệu phó Trường PTNK TDTT Cần Thơ, cho biết: "Ngoài các VĐV năng khiếu của trường, còn có VĐV của Trung tâm TDTT Cần Thơ, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ, gởi học văn hóa ở đây. Khó khăn nhất là về thời gian, bởi VĐV phải tập luyện sáng chiều, mà còn phải học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra". Điều đó có nghĩa, học sinh của Trường PTNK TDTT phải học đủ 37 tuần với đầy đủ các môn: văn, toán, lý, hóa, sinh... kể cả một số môn năng khiếu khác, như: nhạc, họa, mỹ thuật (!?). Để giúp học sinh có đủ khả năng thi tốt nghiệp THPT, giáo viên của trường phải nỗ lực rất nhiều trong giảng dạy, nhiệt huyết, kiên trì và tâm lý. Đồng thời, giáo viên phải linh động giảng dạy sao cho vừa đảm bảo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, vừa phù hợp với học sinh.

Đánh giá chung về học lực của học sinh Trường PTNK TDTT, cô Nguyệt Ánh cho rằng đa số các em chỉ đạt mức trung bình, yếu. Một phần cũng do hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn, học yếu, bỏ học, nhưng mê thể thao nên theo tập năng khiếu. Năm học trước, trường có 42/44 học sinh đậu tốt nghiệp THPT và có 4 em vào Đại học Cần Thơ ngành Giáo dục thể chất.

* * *

Ở các nước có nền thể thao phát triển, trường học là nơi "ươm mầm" cho những tài năng thể thao vươn tới đỉnh cao. Từ bậc tiểu học, học sinh được lựa chọn môn thể thao mà mình yêu thích để theo đuổi, cùng với chương trình học văn hóa phù hợp. Trong khi đó, ở nước ta, sự ra đời của Trường PTNK TDTT, hay các trường nghiệp vụ TDTT vẫn còn là dấu hỏi lớn về mô hình phát triển thể thao. Đây chắc chắn không thể gọi là thể thao học đường. Thầy Trần Duy Hùng, Hiệu phó Trường PTNK TDTT Cần Thơ, cho biết: "Từ khi Trường PTNK TDTT được thành lập, việc dạy học văn hóa cho VĐV được thực hiện bài bản hơn. Trước đây, VĐV được gởi học ở các trường phổ thông, gặp rất nhiều trở ngại trong tập luyện hay khi đi thi đấu". Có thể nói, mô hình Trường PTNK TDTT đã giải quyết được vấn đề "học" cho VĐV năng khiếu, nhưng chất lượng "đầu ra" vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại.

Thầy Cô Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường PTNK TDTT Cần Thơ, đề xuất: "Nếu có thể được, các trường năng khiếu nên có chương trình riêng. Vận động viên năng khiếu cần tập trung hơn vào tập luyện, giảm bớt một số môn học văn hóa cho nhẹ chương trình". Cô Nguyệt Ánh nêu cụ thể hơn: "Cần có sự cải cách, tập trung giáo dục thường xuyên 7 môn: ngữ văn, toán, lý, hóa, sinh... còn những môn đánh giá nên bỏ để tăng tiết học ở những môn cần nâng chất như ngoại ngữ chẳng hạn".

Đào tạo văn hóa cho VĐV là yêu cầu tối cần thiết, đáp ứng mục tiêu đào tạo toàn diện, đồng thời đảm bảo tương lai phát triển lâu dài của VĐV. Vì vậy, rất cần một chương trình phù hợp, tạo điều kiện cho học viên vừa học tốt văn hóa vừa đảm bảo thời gian, khối lượng tập luyện để có thể phát triển tới đỉnh cao.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết