13/07/2018 - 22:18

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Nắm bắt cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0 

Sáng 13-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ khai mạc và tham gia phiên đối thoại đặc biệt với các diễn giả, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại sự kiện “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Industry 4.0 Summit 2018. Ảnh: Cổng TTĐTCP

Sau lễ khai mạc, các diễn giả đã tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo đánh giá của các diễn giả, Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới về sự sẵn sàng với cuộc cách mạng 4.0. Các khuyến nghị được đưa ra là Việt Nam cần ưu tiên giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng kỹ thuật, đồng thời cần có chính sách mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới của thế giới như internet vạn vật, dữ liệu lớn, robot…nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới sức sáng tạo. Tuy nhiên, việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn chậm và chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới này.

Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực, phát huy sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.

Chỉ ra những giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin- truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học;...

Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tiếp cận công nghiệp 4.0. Chủ động nghiên cứu, cập nhật các xu hướng phát triển và kinh nghiệm của thế giới, trong đó quan tâm việc xử lý các tác động không mong muốn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, thất nghiệp và biến đổi xã hội.

Đặt vấn đề khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 với tầm nhìn chiến lược nhưng phải hành động khẩn trương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.

Thủ tướng dự Lễ cắt băng khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp thông minh. Ảnh: Cổng TTĐTCP

Tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (World Bank)... đã sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng tôi cũng ủng hộ và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia tại Diễn đàn như: Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, câu trả lời ngắn gọn là không bởi công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó.

“Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương sẽ cùng nhau phối hợp, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0 - một nghị quyết quan trọng, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam. 

Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia; trong đó chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam.

TTXVN

Chia sẻ bài viết