10/09/2010 - 10:25

Mỹ vẫn nuôi tham vọng “lãnh đạo thế giới”

Bà Clinton trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ ngày 8-9. Ảnh: AFP

Trước ngày nước Mỹ tổ chức lễ tưởng niệm 9 năm xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng 11-9-2001 và hướng tới cuộc bầu cử quốc hội nửa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, Ngoại trưởng Hillary Clinton ngày 8-9 có bài phát biểu và trả lời chất vấn trước các chuyên gia nghiên cứu chính sách và giới ngoại giao Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington. Nếu cách đây một năm, bà Clinton cam kết sẽ xây dựng một thế giới cân bằng đa cực và đa đối tác mà trong đó Mỹ sẵn sàng bắt tay với các đối thủ cạnh tranh, thì nay cựu đệ nhất phu nhân chỉ nhấn mạnh “vai trò độc tôn” của Chú Sam trong thế kỷ 21...

Theo tờ Washington Post của Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố thời điểm quan trọng mới mà vai trò “lãnh đạo thế giới” của Mỹ bằng cách này hay cách khác đã đến. “Cho dù cần phải nỗ lực làm việc cật lực và đưa ra những quyết sách táo bạo, nhưng đây là thời điểm mà nước Mỹ cần phải nắm bắt để làm nền tảng duy trì vai trò thủ lĩnh trong nhiều thập niên tới”, bà Clinton nhấn mạnh.

Cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng nói thêm vai trò thống lĩnh toàn cầu đó đối với nước Mỹ là “một trách nhiệm và là một vận hội chưa từng có”. “Khi mà các đối tác truyền thống cần một nhà trung gian xứng đáng, họ sẽ nhìn về chúng ta. Khi mà nơi này nơi kia xảy ra động đất, lũ lụt, dịch bệnh, xung đột hay bạo lực thì thế giới lại nhìn đến chúng ta. Vậy nên, nước Mỹ, niềm hy vọng trong một thế giới đầy bất trắc, đã vẫn tiếp tục duy trì quân đội hùng mạnh nhất thế giới và hơn bao giờ hết vẫn đặt niềm tin vào nền ngoại giao hợp tác, tránh sự tự cô lập”, bà Clinton nói.

“Cơ hội mới của nước Mỹ”, theo bà Clinton, đã đến nhờ những thành công trong hơn 18 tháng cầm quyền của chính quyền Barack Obama với học thuyết ngoại giao “thông minh và hiệu quả hơn”. Cụ thể, bà cho rằng chính quyền Obama đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của các đối tác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết mới trừng phạt mạnh mẽ nhất chống Iran; cải thiện mối quan hệ với Nga; hoàn tất sứ mạng chiến đấu ở Iraq; xúc tiến tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine... Những thành công này, theo bà Clinton, là do “nước Mỹ đã xây dựng và nắm vai trò chủ đạo “cấu trúc toàn cầu mới” bằng cách củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, lôi kéo các cường quốc mới nổi, tăng cường can dự vào các tổ chức khu vực và quốc tế, thúc đẩy các giá trị toàn cầu...”

Tuy nhiên, dù tỏ ra tin tưởng vào khả năng xây dựng lại “tiềm lực quốc gia mới” thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự, bà Clinton thừa nhận món nợ công hơn 13.000 tỉ USD sẽ làm suy yếu và đe dọa an ninh quốc gia khi tầm ảnh hưởng quốc tế của Mỹ giảm sút. Thế nhưng, bà vẫn tuyên bố đầy tham vọng rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ vẫn cần thiết và Washington “có thể, phải và sẽ” đi đầu trong thế kỷ này, thậm chí nếu phải thực hiện theo những cách thức mới.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Washington Post, AFP và AP)

Chia sẻ bài viết