09/05/2018 - 21:37

Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất châu Á-Thái Bình Dương 

Theo bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á mới công bố, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất ở khu vực châu Á bất chấp thách thức đang gia tăng từ Trung Quốc.

Hãng tin CNN cho biết Viện Lowy (Úc) đã xếp hạng 25 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ghi nhận mức độ ảnh hưởng cũng như “xu hướng tương lai”, tức sức mạnh của họ vào năm 2030. 8 tiêu chí xếp hạng chủ chốt đối với từng quốc gia là: mạng lưới quốc phòng, năng lực quân sự, ảnh hưởng văn hóa, ảnh hưởng ngoại giao, nguồn lực kinh tế, mối quan hệ kinh tế, khả năng phản kháng và xu hướng tương lai.

Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu

Kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào những năm 1980, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng. Kinh tế Trung Quốc hiện xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Với GDP khoảng 7.900 tỉ USD, quốc gia châu Á này đang chiếm hơn 10% GDP toàn cầu. Nhưng theo giám đốc dự án Herve Lemahieu của Viện Lowy, Mỹ vẫn có một lợi thế rất lớn so với Trung Quốc về ảnh hưởng văn hóa, hay còn gọi là “quyền lực mềm”, cũng như quan hệ đối tác quân sự ở khắp châu Á. Trong khi Mỹ có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với nhiều nước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., đồng minh duy nhất lâu nay của Trung Quốc là Triều Tiên.

Và bởi vì Mỹ có ưu thế hơn, nên chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều để tạo dựng vị thế khắp châu Á. Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ USD vào các cảng, đường sắt và các dự án khác ở châu Á thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” cũng như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á. Theo Viện Lowy, nước này hiện vượt Mỹ ở các tiêu chí quan hệ kinh tế và ảnh hưởng ngoại giao, khi trở thành “nước cho vay và viện trợ nước ngoài lớn nhất trong khu vực”.

Viện Lowy cũng cảnh báo mặc dù Mỹ đứng đầu trong bảng xếp hạng quyền lực năm 2018, song Trung Quốc có thể vượt qua trong những năm tới do sự lơ là của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với châu Á. Theo ông Lemahieu, nếu các nước mất niềm tin vào Mỹ và khả năng nước này bảo vệ các đồng minh trong khu vực, điểm yếu của mạng lưới quốc phòng sẽ lộ ra và cán cân quyền lực ở châu Á sẽ thay đổi.

Nhật Bản và Ấn Độ đồng hạng 3

Cùng giành vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi Nhật Bản được đánh giá là một cường quốc thông minh với quan hệ ngoại giao sâu rộng, Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành “gã khổng lồ” kinh tế trong những năm tới. Tuy nhiên, Ấn Độ hạn chế về mạng lưới quốc phòng ở châu Á, còn Nhật Bản thì có khả năng phản kháng và năng lực quân sự thấp hơn các nước láng giềng thuộc nhóm “quyền lực trung bình”.

Theo báo cáo của Viện Lowy, Nga, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, New Zealand, Việt Nam, Pakistan, Đài Loan, Philippines và Triều Tiên được xếp trong nhóm “quyền lực trung bình”, còn Bangladesh, Brunei, Myanmar, Sri Lanka, Campuchia, Mông Cổ, Lào và Nepal là những nước “ít quyền lực”.

Lý giải cho vị trí quyền lực thứ 4 của Nga, ông Lemahieu cho biết yếu tố lớn nhất khiến Nga vượt qua nhiều cường quốc châu Á khác là sức ảnh hưởng toàn cầu: Nga là một cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, Mát-xcơ-va cũng thành công hơn trong việc truyền tải mạng thông tin đến khắp châu Á. “Kênh Russia Today và đài truyền hình bằng tiếng Anh của nó phổ biến ở châu Á hơn kênh CGTN của Trung Quốc” - ông Lemahieu nói.

Bất ngờ với Singapore và Triều Tiên

Theo CNN, một trong những phát hiện bất ngờ nhất của nghiên cứu là thứ hạng cao của Singapore, chỉ xếp sau Úc và Hàn Quốc trong nhóm “quyền lực trung bình”. Với dân số chỉ 5,5 triệu người, Singapore xếp hạng 7 về quyền lực nhờ quan hệ kinh tế và mạng lưới quốc phòng. Ông Lemahieu cho biết đảo quốc sư tử nằm giữa các tuyến giao thương ở châu Á nên thường là điểm đến đầu tiên của các nguồn đầu tư nước ngoài vào khu vực này. Hạn chế của quốc đảo này là phụ thuộc hoàn toàn vào thương mại nên dễ bị tổn thương trước những biến động về kinh tế, chẳng hạn như cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hạng quyền lực của một nước khác cũng gây ngạc nhiên cho các nhà lãnh đạo khu vực là Triều Tiên. Nước này xếp hạng chót trong nhóm “quyền lực trung bình”, bất chấp những tiến triển về năng lực hạt nhân và tiến bộ trong quan hệ ngoại giao gần đây. “Mặc dù sở hữu tên lửa liên lục địa nhưng đây lại là nước dễ tổn thương và hạn chế trong tất cả các khía cạnh quyền lực khác”, ông Lemahieu cho biết.

THANH TRÚC (Theo CNN, Economic Time)

Chia sẻ bài viết