18/08/2017 - 21:58

Mỹ vẫn để ngỏ khả năng quân sự trong vấn đề Triều Tiên 

Trong tuyên bố làm rõ quan điểm về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Jim Mattis khẳng định ngoài áp lực ngoại giao và kinh tế, Washington sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự để đáp trả các cuộc tấn công nếu có từ Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Mỹ- Nhật tại cuộc họp “2+2” ở Washington.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp an ninh “2+2” đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa hai quan chức cấp cao Mỹ với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Ngoại trưởng Taro Kono tại Washington ngày 17-8. Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề Triều Tiên, trong đó hai bên nhất trí các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng là “hành động khiêu khích không thể chấp nhận” và “phải dừng ngay lập tức”.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng dùng đến vũ lực nếu Triều Tiên “vượt quá giới hạn”. “Cùng sự hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh, Bình Nhưỡng sẽ đối mặt hậu quả nặng nề nếu khởi xướng hành động thù địch. Chúng tôi sẽ lập tức hành động và bắn hạ tên lửa của Triều Tiên một khi nước này tấn công lãnh thổ Nhật Bản, Guam, Mỹ hoặc Hàn Quốc” – Tướng Mattis khẳng định.

Hồi tuần rồi, Tổng thống Trump trong thông điệp cảnh báo tấn công quân sự Triều Tiên cho biết “đạn đã lên nòng”. Phó Tổng thống Mike Pence tuần này cũng nhấn mạnh “tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn”, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia H.R McMaster xác nhận giải pháp quân sự đang được cân nhắc như lựa chọn “khả thi”. Nhưng hôm 17-8, chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon lại có nhận xét trái ngược khi khẳng định “không có giải pháp quân sự” để đối phó chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tại cuộc họp báo chung hôm 17-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại trưởng Tillerson từ chối bình luận về nhận xét của ông Bannon nhưng cả hai thành viên nội các đều tìm cách bác bỏ tuyên bố này. Cụ thể, ông Tillerson cho rằng tất cả đều khá rõ về chính sách và quan điểm của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Do vậy, điều mà ông và Tướng Mattis muốn làm là “thông báo đến người dân Mỹ cũng như các nước đồng minh, đối tác quan trọng về cách tiếp cận của Washington”. Theo đó, ông Tillerson nói rõ Mỹ vẫn đang tìm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bao gồm khả năng đối thoại nhưng với điều kiện tiến trình thảo luận này sẽ đưa đến một kết quả khác với những cuộc đàm phán trước đây. Nhưng xét mức độ đe dọa từ chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng, đại diện ngoại giao Mỹ nói thêm rằng bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào “phải được hậu thuẫn bởi giải pháp quân sự mạnh mẽ một khi Triều Tiên quyết định sai lầm”.

Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ đã công bố quyết định đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận năm 2015 cải tổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật. Theo CNN, thỏa thuận này cho phép Tokyo mở rộng vai trò trong liên minh thông qua “quyền phòng vệ tập thể”, tức được trợ giúp các quốc gia đồng minh khi những nước này bị tấn công.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera, Tokyo đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên mặt đất để đối phó mối đe dọa tên lửa Triều Tiên. Ngoài nâng cấp khả năng phòng thủ, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono cho biết nước này còn hỗ trợ 500 triệu USD giúp tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Á trước các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết