17/11/2018 - 09:08

Mỹ trừng phạt giới chức Riyadh 

Hôm 15-11, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào 17 quan chức Saudi Arabia bị cho liên quan vụ nhà báo Jamal Khashoggi (ảnh, phía trước) bị sát hại. Theo đó, các cá nhân nói trên bị cấm nhập cảnh, hạn chế quyền tiếp cận hệ thống tài chính và đóng băng tài sản tại Mỹ.

 Ảnh: AP

Danh sách những người bị trừng phạt có Saud al-Qahtani, cố vấn hàng đầu đã bị sa thải của Thái tử Mohammed bin Salman; Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) Mohammad al-Otaibi và Tướng Maher Mutreb. Ông Mutreb ngoài chức vụ sĩ quan tình báo cấp cao còn đóng vai trò phụ tá đắc lực của Qahtani và là thành viên đội an ninh của Thái tử Mohammed.

Động thái của Bộ Tài chính Mỹ là phản ứng cụ thể đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump quanh vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul vào tháng 10. Cách đó vài giờ, Cơ quan Công tố Saudi Arabia tuyên bố có ít nhất 11 công dân nước này liên quan vụ án nói trên bị truy tố và 5 trong số các nghi phạm bị đề nghị án tử hình. Cơ quan này tiết lộ nhà báo Khashoggi đã bị một nhóm điệp viên Saudi Arabia tiêm một loại thuốc, khiến ông bị “sốc thuốc” và tử vong.

Việc thực thi trừng phạt cũng được coi là hành động bất thường đối với Washington bởi hiếm khi Mỹ áp chế tài lên giới chức Saudi Arabia. Trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ đã không trừng phạt Riyadh mặc dù 15/19 tên không tặc được xác định là công dân Saudi Arabia. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các lệnh trừng phạt thực chất không nhằm vào Riyadh, đồng minh quan trọng của Mỹ về an ninh và kinh tế. Một số thành viên Quốc hội Mỹ bao gồm nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng nói rằng chính quyền Trump chưa đủ cứng rắn khi các chế tài đều không liên quan Thái tử Mohammed. Cũng hôm 15-11, thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã đề xuất dự luật đình chỉ bán vũ khí cho Riyadh như hình thức trừng phạt Saudi Arabia liên quan vụ Khashoggi và vai trò của nước này trong cuộc nội chiến ở Yemen.

Trong diễn biến liên quan, kênh NBC News tiết lộ chính quyền Trump có thể đang tìm cách dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ giảm sức ép lên Saudi Arabia quanh vụ Khashoggi. Ông Gulen hiện sống lưu vong tại bang Pennsylvania và bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết