17/11/2018 - 16:45

Mỹ-Trung “đấu” nhau tại APEC 

Hôm qua 17-11, trước ngày diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 tại Thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea (PNG), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có màn đả kích trước diễn đàn doanh nghiệp APEC, làm dấy lên lo ngại khả năng hội nghị năm nay không thể thông qua tuyên bố chung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố các hành động bảo hộ thương mại là “thiển cận và tất yếu sẽ phải hứng chịu thất bại”. Chủ tịch Tập cho rằng những nỗ lực dựng lên các rào cản và cắt đứt các mối quan hệ kinh tế gần gũi đi ngược lại các luật lệ kinh tế và xu hướng lịch sử. Ông đồng thời kêu gọi các nền kinh tế trên thế giới cần nói “không” với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, ngầm ám chỉ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng thế giới nên “ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với trọng tâm là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế cởi mở, toàn diện, cân bằng hơn cũng như mang lại lợi ích cho tất cả các bên”.  Đề cập tới những quan ngại xung quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang, Chủ tịch Tập nhấn mạnh lịch sử cho thấy sự đối đầu, dù dưới hình thức một cuộc chiến tranh lạnh, hay chiến tranh thương mại, cũng sẽ không có bên nào giành chiến thắng. Ông nhấn mạnh vai trò của tham vấn và đối thoại trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước, miễn là các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần “bình đẳng” và “thấu hiểu lẫn nhau”.

Thủ tướng Scott Morrison của Úc, đồng minh của Mỹ, cũng lên tiếng cảnh báo các cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào và phải được giải quyết thông qua đàm phán thay vì việc áp thuế trả đũa lẫn nhau. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh thế giới đang đối mặt chiều hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự biến động của thị trường tài chính. Ông cho rằng việc vội vã dựng lên các rào cản bảo hộ không phải là một giải pháp. Theo ông, chủ nghĩa bảo hộ “ăn miếng, trả miếng” cùng những mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại không nằm trong lợi ích kinh tế của bất cứ nước nào, thay vào đó sẽ làm suy yếu sức mạnh của các quy tắc thương mại trong khu vực và trên toàn cầu vốn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nhà lãnh đạo này tuyên bố Úc sẽ đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại.  Ngoài ra, Thủ tướng Morrison cũng nhấn mạnh giải pháp đối với các hành động thương mại được cho là bất bình đẳng là thông qua đàm phán thay vì thúc đẩy một cuộc chiến thuế quan. Úc sẽ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đàm phán và trong khuôn khổ các nguyên tắc của WTO. Mặc dù thừa nhận WTO “không hoàn hảo” song nhà lãnh đạo Úc cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia cùng chung chí hướng để thúc đẩy cải tổ tổ chức thương mại đa phương này.

Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev ủng hộ quan điểm của nhà lãnh đạo Úc và kêu gọi cần có nguyên tắc minh bạch, rõ ràng cho thương mại toàn cầu. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thì cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần đánh giá lại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì tiến trình này đang bỏ nhiều nền kinh tế lại phía sau, trong khi lại thúc đẩy sự bất bình đẳng. Thủ tướng Mahathir kêu gọi thiết lập một sân chơi bình đẳng hơn về thương mại giữa các quốc gia giàu có và các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh: “Các lợi ích của thương mại tự do và công bằng cùng hội nhập kinh tế đã bị phá vỡ, với những minh chứng từ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và các cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân rã trong thương mại và mậu dịch của chúng ta”.

Trong bài phát biểu sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố chính quyền Trump sẽ không xuống thang tranh chấp với Trung Quốc cho đến khi nào nước này chấp nhận thay đổi luật chơi thương mại. “Chúng tôi đã hành động kiên quyết để giải quyết sự cân bằng với Trung Quốc. Chúng tôi đã áp thuế lên 250 tỉ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc và có thể tăng hơn gấp đôi con số này” - ông Pence  cảnh báo. Đặc biệt, ông Pence chỉ trích sáng kiến phát triển kết cấu hạ tầng “Vành đai, con đường” như là “bẫy nợ” xâm phạm chủ quyền các nước nhỏ. Ông cho rằng các khoản vay của Trung Quốc là thiếu minh bạch, quá dễ dãi và dẫn đến “nợ ngập đầu”. “Đừng chấp nhận nợ nước ngoài nếu nó có thể đe dọa chủ quyền quốc gia của chúng ta. Hãy bảo vệ lợi ích và giữ vững chủ quyền của chúng ta” - ông Pence kêu gọi và cho rằng Mỹ là đối tác đầu tư tốt hơn vì nước này không đưa ra “vành đai hạn chế hay con đường một chiều”, đồng thời tôn trọng chủ quyền, bảo đảm thương mại tự do, bình đẳng, có qua có lại. Những ngôn từ chỉ trích của ông Pence về sáng kiến “Vành đai, con đường” mà Trung Quốc khởi động năm 2013 được cho là bất thường.

Ngoài ra, ông Pence còn đề cập đến vấn đề an ninh hàng hải, dù không trực tiếp nói đến các tranh chấp lãnh hải. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đi tới những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép và bảo vệ các nhu cầu lợi ích quốc gia. Sự quấy rối chỉ làm tăng quyết tâm của chúng tôi” - Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố và nhấn mạnh nước này ủng hộ ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc “với đòi hỏi phải tôn trọng quyền của mọi quốc gia, bao gồm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông”.

Mỹ-Úc cùng PNG phát triển căn cứ hải quân chung

Bên lề hội nghị APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố nước  này sẽ hợp tác với Úc tái quy hoạch một căn cứ hải quân tại PNG “nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải tại các đảo ở Thái Bình Dương”. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng PNG Peter O’Neill đã ký thỏa thuận về việc cùng quy hoạch lại căn cứ hải quân chung Lombrum trên đảo Manus nằm ở phía Bắc PNG. Được quân đội Mỹ xây dựng năm 1944, căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus có vị trí chiến lược quan trọng khi nó có thể bao quát khu vực Thái Bình Dương. Trong Thế chiến thứ hai, đây là căn cứ quan trọng của hải quân Mỹ, được sử dụng để yểm trợ cho chiến dịch giải phóng Philippines.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mỹ-TrungAPEC