02/06/2018 - 18:26

Mỹ tố Trung Quốc “đe dọa và cưỡng ép” ở Biển Đông 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 2-6 đã có bài phát biểu được mong đợi về chiến lược của Washington trong khu vực, đặc biệt là quan điểm của Lầu Năm Góc đối với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tổng thống Trump và đặc  phái viên Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng hôm 1-6. Ảnh: AP
Tổng thống Trump và đặc  phái viên Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng hôm 1-6. Ảnh: AP

Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các đối tác khu vực đang có mặt tại Singapore để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (hay còn gọi Đối thoại Shangri-La). Tình hình Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng tại phiên họp khai mạc trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động trên các vùng biển tranh chấp hòng khẳng định yêu sách chủ quyền. Điển hình là hồi tháng rồi, Trung Quốc bị tố điều oanh tạc cơ hạt nhân đến các thực thể nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Những hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy Bắc Kinh dường như còn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm trên vùng biển tranh chấp.

Trong bài phát biểu ở ngày họp thứ 2, Bộ trưởng Mattis nói rõ chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược chiến lược cởi mở mà Washington thúc đẩy. Ông Mattis nêu cụ thể những hành vi của Trung Quốc như triển khai hàng loạt vũ khí quân sự, thiết bị gây nhiễu trên vùng biển tranh chấp đang dấy lên quan ngại về một mục đích lớn hơn. Theo Bộ trưởng Mỹ, mặc cho Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố hòa bình, việc nước này triển khai hệ thống vũ khí ở Biển Đông liên hệ trực tiếp với việc vận dụng sức mạnh quân sự nhằm mục đích “đe dọa hoặc cưỡng ép”. “Tôi tin rằng có những hậu quả lớn hơn trong tương lai khi các quốc gia đánh mất mối quan hệ với láng giềng của mình, cuối cùng những hành động này cũng không đem lại kết quả gì” – ông Mattis cảnh báo.

Dù vậy, lãnh đạo Lầu Năm Góc thừa nhận Trung Quốc có một vai trò trong trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Mỹ sẵn sàng theo đuổi mối quan hệ hợp tác, xây dựng và mang lại kết quả với Bắc Kinh nếu họ thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng lâu dài cho khu vực. Tuy nhiên ông Mattis cũng nói rõ Washington không có ý định từ bỏ vai trò của mình thậm chí sẵn sàng “đối đầu cứng rắn” trong trường hợp cần thiết. Trước đó, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) trong động thái mà ông Mattis gọi là “phản ứng đầu tiên” và cũng là “hệ quả ban đầu” Trung Quốc phải đối mặt cho hành vi “quân sự hóa” Biển Đông.

Quan điểm chiến lược của Washington được Tướng Mattis trình bày giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump một mặt mong muốn kiềm chế hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông, mặt khác tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Tình hình này khiến Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại Washington có thể đặt lợi ích an ninh của Mỹ lên trên lợi ích của đồng minh trong tiến trình theo đuổi thỏa thuận với Bình Nhưỡng. Trong động thái trấn an, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì mục tiêu củng cố và hiện đại hóa liên minh Mỹ-Nhật-Hàn trước những thách thức trong thế kỷ 21. Mặt khác, ông Mattis cũng tái khẳng định chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump không thay đổi khi đề cập tầm quan trọng duy trì liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực, đặc biệt với Úc, New Zealand và Ấn Độ.  “Mỹ đã mở rộng quan hệ hợp tác và tăng cường kết nối trong khu vực... vì vậy đừng nhầm lẫn, Mỹ sẽ luôn hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lợi ích của chúng tôi và khu vực này gắn bó chặt chẽ với nhau” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

 Về vấn đề Triều Tiên, lãnh đạo Lầu Năm Góc đề cập ngắn gọn mục tiêu của Mỹ vẫn là tiến trình phi hạt nhân hóa “không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”. Trong đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc hoàn toàn tách biệt với các cuộc đàm phán Mỹ-Triều.

Bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên “rất thú vị”

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng hôm 1-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã có một cuộc gặp tốt đẹp với vị phái viên đến từ Bình Nhưỡng và đây sẽ là “một sự khởi đầu tuyệt vời” trong quan hệ với Triều Tiên. Ông cũng đánh giá bức thư của ông Kim Jong-un “rất thú vị” và “rất tốt đẹp”, khẳng định Mỹ và Triều Tiên sẽ “bắt đầu một mối quan hệ” vào ngày 12-6 tới. Đây được coi là lời xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều sẽ diễn ra theo kế hoạch ban đầu vào ngày 12-6 tại Singapore. Ông nhấn mạnh Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa và cho rằng xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên “sẽ là một tiến trình”, song ông tin rằng tiến trình đó cuối cùng sẽ “thành công”.

 Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cho biết đã cùng ông Kim Yong-chol thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông Trump dự báo dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh này có thể đến sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới và bày tỏ tin tưởng Triều Tiên có thể thay đổi dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Trump cũng nói ông không muốn sử dụng cụm từ “sức ép tối đa” thêm nữa, bởi mối quan hệ Mỹ - Triều đang tốt lên. Nhà lãnh đạo Mỹ lưu ý rằng ông có hàng trăm biện pháp trừng phạt mới sẵn sàng áp đặt nhằm vào Triều Tiên nhưng sẽ tạm hoãn việc này. Ông nhận định hai bên sẽ cần tiến hành một số cuộc gặp thượng đỉnh để giải quyết tất cả những vấn đề tồn đọng.    

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC, AP)

Chia sẻ bài viết