22/03/2018 - 21:42

Mỹ siết chặt kiểm soát các Viện Khổng Tử 

Các Viện Khổng Tử Trung Quốc sẽ bị yêu cầu đăng ký quy chế “đại diện nước ngoài” và minh bạch hóa tài chính khi hoạt động tại Mỹ, theo dự thảo luật được các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đề xuất và trình lên lưỡng viện Quốc hội.

Nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông (phải) gặp gỡ ban lãnh đạo Đại học George Washington nhân dịp mở Viện Khổng Tử tại đây. Ảnh: GW Today

Ngoài Viện Khổng Tử của Trung Quốc bị chỉ đích danh, những tổ chức, cá nhân thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị nước khác khi hoạt động ở Mỹ cũng bị yêu cầu đăng ký tư cách “đại diện nước ngoài” với Bộ Tư pháp Mỹ theo Luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA), đồng thời làm rõ mối quan hệ với chính phủ quốc gia mà họ đại diện cũng như nguồn gốc tài trợ. Hệ thống trường đại học và cao đẳng của Mỹ cũng bị yêu cầu cung cấp thông tin về bất kỳ khoản tài trợ có yếu tố nước ngoài từ 50.000 USD trở lên. Dù vậy, dự luật nói rõ những hoạt động giáo dục và học thuật “chân chính” vẫn được miễn trừ trước các quy định FARA.

Tất cả điều khoản trên nằm trong dự thảo Đạo luật minh bạch ảnh hưởng của nước ngoài 2018 do thượng nghị sĩ Marco Rubio, Tom Cotton và hạ nghị sĩ Joe Wilson đề xuất. Theo nghị sĩ Wilson, mục tiêu là đảm bảo tính công khai giữa chính phủ nước ngoài, hệ thống trường đại học và cộng đồng. “Người Mỹ có quyền biết liệu họ có đang bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tuyên truyền của chính phủ nước khác hay không” - ông Wilson nói thêm.

Động thái này diễn ra giữa lúc ngày càng có nhiều quan ngại về ảnh hưởng mục tiêu hoạt động của Viện Khổng Tử tại các trường đại học Mỹ. Đây là hệ thống học viện liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc, thành lập từ năm 2004 nhằm quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa. Trước đó, các cựu quan chức Trung Quốc từng thừa nhận Viện Khổng Tử đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền của nước này ở nước ngoài.  Theo Hiệp hội Học giả Quốc gia trụ sở ở New York, hiện có khoảng 600 viện hoặc lớp Khổng Tử thành lập trên khắp nước Mỹ trong số 1.500 cơ sở trên toàn thế giới.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ hồi tháng 2, Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray xác nhận cơ quan này đang thận trọng theo sát thậm chí điều tra một số Viện Khổng Tử. Cùng thời điểm, thượng nghị sĩ Rubio cũng lên tiếng cảnh báo mô hình văn hóa của Trung Quốc thực chất là công cụ để thúc đẩy tư tưởng và suy nghĩ thiên lệch có lợi cho Bắc Kinh trên đất Mỹ.

Theo giới phân tích, những chương trình như vậy đang đóng vai trò thúc đẩy cho cái mà cộng đồng tình báo gọi là “chính sách che giấu tham vọng trỗi dậy trên toàn cầu của Chính phủ Trung Quốc”. Trong quyển sách The Hundred-Year Marathon (tạm dịch Cuộc Chạy Ðua 100 Năm), tác giả đồng thời là thành viên cao cấp của Viện Hudson, Michael Pillsbury cho biết những mô hình như Viện Khổng Tử chỉ có một mục tiêu đơn giản. Đó là truyền đi thông điệp Trung Quốc không phải là một mối đe dọa và Mỹ nên giúp Bắc Kinh trong chính sách mà họ cho là “trỗi dậy hòa bình”, tiến tới vị thế siêu cường thế giới.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết