17/06/2016 - 13:56

Mỹ - Nhật - Ấn định hình “trật tự an ninh hàng hải mới” tại châu Á

Đó là tiêu đề bài viết đăng trên trang thông tin trực tuyến của Nhật báo Phố Wall hôm 15-6, cho biết Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang theo đuổi mối quan hệ gần gũi và mở rộng hợp tác quân sự nhằm đối phó tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Nhật báo Phố Wall, mối quan hệ gần gũi giữa 3 nước được thể hiện rõ qua cuộc tập trận Malabar diễn ra từ ngày 10 đến 17-6. Đây là cuộc tập trận Hải quân thường niên song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. Nhưng kể từ năm 2015, Malabar thay đổi thành cuộc diễn tập ba bên với quy mô và mức độ lớn hơn sau sự hiện diện chính thức của Nhật Bản.

Chiến đấu cơ đáp trên tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận Malabar hôm 15-6. Ảnh: AP

Trong khuôn khổ Malabar năm nay, Hải quân 3 nước tham gia diễn tập tác chiến chống tàu ngầm, huấn luyện phòng không và tìm kiếm, cứu hộ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Khu vực này cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc khoảng 400km.

Theo giới phân tích, cuộc diễn tập là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố liên minh quân sự lâu đời với Tokyo và tăng cường quan hệ chiến lược với Ấn Độ. Washington cũng đang kêu gọi New Delhi đóng vai trò tích cực hơn, không chỉ trên Ấn Độ Dương mà còn ở Thái Bình Dương nhằm cân bằng quyền lực khu vực trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Lâu nay, Ấn Độ vẫn duy trì vai trò quốc gia trung lập và không tham gia bất kỳ liên minh quân sự chính thức nào. Nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và ảnh hưởng sâu rộng của Bắc Kinh từ các dự án tài trợ cơ sở hạ tầng khổng lồ cho các quốc gia láng giềng Nam Á đang khiến chính quyền New Delhi lo ngại. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng "thiếu kiến trúc an ninh" là nguyên nhân khiến châu Á không ổn định. Qua đó, ông Modi khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ giúp đảm bảo an ninh và tự do hàng hải khu vực.

Cùng với Mỹ, quan hệ giữa Ấn Độ với Nhật Bản cũng đang được cải thiện thời gian gần đây. Trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 12 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã chính thức nâng quan hệ song phương lên tầm quan hệ đối tác chiến lược và nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế - động thái mà giới phân tích cho rằng để cạnh tranh với sự xâm nhập của Trung Quốc trong khu vực này.

Trong khuôn khổ diễn đàn an ninh cấp cao thường niên tại châu Á hay còn gọi Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi đầu tháng 6, giới chức quân sự của Nhật Bản và Ấn Độ cũng đạt được thỏa thuận thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh có nhiều động thái hung hăng trên các vùng biển khu vực. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ cần "chia sẻ giá trị chung" để tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh tại các vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Theo chuyên gia Raja Mohan thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowmen, Mỹ đang tìm kiếm đối tác có thể "chia sẻ" gánh nặng quân sự hiện nay và sức mạnh quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản cùng Ấn Độ sẽ là "một thay đổi chiến lược quan trọng" định hình trật tự an ninh hàng hải mới tại châu Á.

MAI QUYÊN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết