11/06/2011 - 21:44

Mỹ lo ngại chính sách viện trợ và đầu tư của Trung Quốc

Ngoại trưởng Hillary Clinton có mặt tại Zambia nhằm tìm cách tăng cường lợi ích của Mỹ tại châu Phi trước sự cạnh tranh “bí ẩn” của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giới lãnh đạo Mỹ và dư luận quốc tế từ nhiều năm qua không chỉ lo ngại về “vấn nạn” xuất siêu và cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc mà còn “bận tâm” về chính sách viện trợ, đầu tư thiếu minh bạch và công bằng của Bắc Kinh khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.

Ngày 10-6, phát biểu trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Zambia lần đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ năm 1976 và tham dự hội nghị thường niên giữa Mỹ và các nước châu Phi được hưởng chính sách thương mại ưu đãi của Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố bà lấy làm lo ngại các hoạt động viện trợ và đầu tư không theo tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và quản lý tốt của Trung Quốc ở lục địa đen. Theo Nhật báo Phố Wall của Mỹ, do Trung Quốc không phải là thành viên của Tổ chức Kinh tế và Hợp tác Phát triển (OECD) nên nước này không công khai các dự án viện trợ và đầu tư tại châu Phi. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích của các đối tác cạnh tranh khác. Paul Ryberg, chủ tịch Quỹ hợp tác thương mại với châu Phi có trụ sở tại Washington, cho rằng chính sách viện trợ và đầu tư với nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc ở lục địa nghèo khó này chủ yếu nhằm đảm bảo an ninh dầu khí và khoáng sản.

Chỉ tính riêng lĩnh vực đầu tư, số liệu năm 2009 cho biết Trung Quốc đổ vào đây khoảng 10 tỉ USD. Chính sách viện trợ và đầu tư như vậy không chỉ giúp Trung Quốc có nguồn cung ứng năng lượng và nguyên liệu dồi dào mà còn tạo ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho khu vực và cả thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi năm 2010 tăng hơn 40%, đạt 126,9 tỉ USD, bỏ xa mức 103 tỉ USD giữa Mỹ và châu Phi. Ngoài ra, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại châu Phi nằm dưới quyền sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc nên cũng được hưởng lợi khi xuất khẩu sản phẩm với mức thuế ưu đãi sang Mỹ.

Giống như tại châu lục đen, chính sách đầu tư và cho vay ưu đãi của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh cũng nhằm mục đích đó và thậm chí mạnh tay hơn với tổng số tiền hàng chục tỉ USD. Chỉ riêng Venezuela, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ vốn vay lên đến hơn 32 tỉ USD. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới tại Tây bán cầu năm 2010 trên 15 tỉ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của khu vực giàu tài nguyên và năng lượng này. Tuy nhiên, một tổ chức nghiên cứu kinh tế của Brazil cho hay vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc chỉ tính riêng tại Brazil năm 2010 là 17 tỉ USD, tăng gần 60 lần năm trước. Nhờ vậy, theo Tân Hoa Xã, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ La-tinh năm ngoái đạt 180 tỉ USD, tăng 50% so với năm 2009.

Với thặng dư thương mại hàng trăm tỉ USD mỗi năm, Trung Quốc cũng gây quan ngại cho nhiều nước và khu vực, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết