24/02/2010 - 22:04

Mỹ La-tinh và Caribbe nỗ lực thoát khỏi tầm ảnh hưởng từ Bắc Mỹ

 

Các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh và Caribbe tại Mexico ngày 23-2. Ảnh: Xinhua 

Ngày 23-2, trong phiên họp toàn thể cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Rio, Mỹ La-tinh và Caribbe diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Playa del Carmen thuộc thành phố duyên hải Cancun nổi tiếng của Mexico, Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon đã đọc bản Tuyên bố thành lập “Cộng đồng các nước Mỹ La-tinh và Caribbe”, một liên minh mới tại khu vực này không bao gồm Mỹ và Canada.

Trong tuyên bố thành lập liên minh mới, các đại biểu tham dự đã thống nhất coi tổ chức mới này là một không gian riêng của các quốc gia trong vùng, mang bản sắc riêng và thừa hưởng di sản của tổ chức Nhóm Rio và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ La-tinh và Caribbe (CALC). Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon cho rằng việc ra đời của tổ chức mới này là cơ sở để các quốc gia Mỹ La-tinh và Caribbe đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực.

Cũng trong phiên bế mạc hội nghị ở Cancun, các nguyên thủ quốc gia và đại diện 32 nước tham dự nhấn mạnh cam kết ủng hộ và giúp đỡ Chính phủ Haiti tái thiết đất nước, tăng cường hội nhập trên lĩnh vực di cư, thăm dò và khai thác dầu khí, đẩy mạnh hợp tác về an ninh, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giao lưu văn hóa, phòng chống ma túy và phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ngoài ra, trong số 10 văn kiện được thông qua tại Cancun còn có một số văn kiện nổi bật như tuyên bố bảo vệ chủ quyền của Argentia đối với quần đảo Malvinas và tuyên bố đòi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Cuba.

Tổng thống Mexico Calderon cho biết hai tổ chức hiện tại là Nhóm Rio và CALC sẽ tiếp tục hoạt động, thành lập các tổ công tác nhằm tăng cường quá trình hội nhập, bổ sung lẫn nhau và cùng nhau phát triển, đồng thời xúc tiến công tác soạn thảo quy chế, tên gọi, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của “Cộng đồng các nước Mỹ La-tinh và Caribbe” (gọi tắt là CELC sẽ gồm 33 nước, kể cả Honduras). Tài liệu mang tính thể chế này sẽ được tiếp tục hoàn thiện tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Venezuela vào năm 2011 và tại Chile vào năm 2012.

Mặc dù theo Tổng thống mới đắc cử Chile Sebastian Pinera, tổ chức này không nhằm thay thế Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), vốn là diễn đàn thường trực với những chức năng riêng của nó, nhưng các nhà quan sát nhận định CELC sẽ là một lựa chọn khác của các quốc gia Mỹ La-tinh và Caribbe khi mà OAS có trụ sở tại Washington bị coi là “sân khấu” chính yếu để Mỹ gây ảnh hưởng và áp đặt chính sách kinh tế, thương mại và chính trị ở Tây Bán cầu trong vòng 50 năm qua. Mặt khác, CELC sẽ có đại diện Cuba, trong khi OAS đã bị Cuba từ chối tái gia nhập sau khi nước này bị hoãn tư cách thành viên từ năm 1962 vì cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo phát biểu cứng rắn của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, liên minh mới này là con đường giúp các nước Tây Bán cầu “tách khỏi quỹ đạo của Mỹ”.

KIẾN HÒA
(Theo BBC, Xinhua, AP, Reuters)

Các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh và Caribbe tại Mexico ngày 23-2. Ảnh: Xinhua 

Chia sẻ bài viết