19/04/2018 - 09:24

Mỹ huy động toàn lực cho xuất khẩu vũ khí 

Với sáng kiến “Buy American” (tạm dịch: Mua hàng Mỹ), chính quyền Tổng thống Donald Trump đang khiến các nhà vận động nhân quyền và kiểm soát vũ khí quan ngại trước quyết tâm của tỉ phú New York đưa nước Mỹ vốn đã thống trị trở thành nhà xuất khẩu lớn hơn nữa trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Tổng thống Trump bên cạnh chiến đấu cơ F-15 trong chuyến thăm khu xưởng của Boeing hồi tháng 3. Ảnh: AP

Năm 2016, Kuwait ký hợp đồng mua 40 tiêm kích F/A-18 Super Hornet trị giá 10,1 tỉ USD do tập đoàn Boeing sản xuất. Vào những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng ủng hộ thực hiện hợp đồng trong khi đồng minh Vùng Vịnh tiếp tục trì hoãn. Sự việc kéo dài đến tháng 1-2018, Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với Quốc vương Kuwait đã thay mặt Boeing thúc giục quốc gia Tây Á sớm duyệt thỏa thuận bị đình trệ trong hơn một năm qua. Chỉ vài ngày sau, truyền thông nhà nước Kuwait cho biết thỏa thuận từ thời Obama đã được thực hiện.

Việc ông Trump trực tiếp can thiệp hoặc thường xuyên chào mời mua thiết bị quân sự Mỹ với lãnh đạo các quốc gia không còn là chuyện hiếm. Chẳng hạn trong chuyến công du Nhật Bản năm ngoái, Tổng thống Trump đã công khai vận động Thủ tướng Shinzo Abe nên mua thêm vũ khí Mỹ để đối phó Triều Tiên. Tại cuộc gặp hôm 20-3 với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, ông Trump không chỉ mang theo áp phích quảng bá vũ khí Mỹ bán cho quốc gia Vùng Vịnh mà còn đề nghị Thái tử Saudi Arabia chia sẻ sự thịnh vượng bằng cách tiếp tục mua vũ khí do Mỹ sản xuất. Dù cách làm này được cho là “bất thường” đối với một tổng thống Mỹ, các quan chức đánh giá việc ông Trump phát huy hết vai trò cá nhân trong các thương vụ cho thấy quyết tâm của tỉ phú New York mở rộng tiềm lực ngành quốc phòng Mỹ dù Washington đang thống trị thị trường vũ khí toàn cầu.

So với những người tiền nhiệm, nỗ lực của ông Trump được dự đoán sẽ tiến xa hơn một khi chính phủ giới thiệu sáng kiến “Mua hàng Mỹ” trong tuần này, cho phép các quốc gia ngoài đồng minh hoặc đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua vũ khí Mỹ với số lượng, chủng loại đa dạng như máy bay tiêm kích, máy bay không người lái cho tới tàu chiến. Washington chủ trương nới lỏng các quy định, chẳng hạn vấn đề nhân quyền đôi khi bị cho là nguyên nhân buộc chính quyền đình chỉ các giao dịch vũ khí nhất định. Chính sách mới cũng lược bỏ các thủ tục rườm rà, đảm bảo các hợp đồng vũ khí được phê duyệt nhanh chóng và mở rộng đối với thành viên NATO, Saudi Arabia, những đối tác vùng Vịnh khác cũng như  Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo một quan chức Nhà Trắng, chiến lược này huy động toàn bộ nguồn lực Chính phủ Mỹ - từ tổng thống, thành viên nội các đến các nhà ngoại giao, tùy viên quân sự để xúc tiến hoạt động buôn bán vũ khí ở nước ngoài. Trong đó, Mỹ có thể điều động các quan chức cấp cao kể cả Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Thương mại tham dự hội nghị, triển lãm quân sự nhằm đẩy mạnh quảng bá vũ khí do Mỹ sản xuất theo cách mà các nước như Pháp, Israel đang làm. 

Chia sẻ bài viết