16/05/2018 - 07:46

Mỹ gặp khó ở Iraq 

Việc liên minh của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr giành số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Iraq hôm 12-5 được cho sẽ buộc giới chức Mỹ phải tính toán lại để duy trì lợi ích của nước này trong khu vực ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm.

Giáo sĩ al-Sadr (giữa). Ảnh: AFP
Giáo sĩ al-Sadr (giữa). Ảnh: AFP

Theo kết quả kiểm phiếu ở tất cả 18 tỉnh, khối al-Sayirun của ông Sadr giành nhiều ghế nhất tại quốc hội (54/329 ghế), đứng thứ hai là liên minh al-Fath của Hadi al-Amiri, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự người Shiite thân Iran, trong khi vị trí thứ ba thuộc về liên minh Nasr của Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi, ứng viên "yêu thích" của Mỹ. 

Do không tham gia tranh cử, nên ông al-Sadr không thể trở thành ứng viên cho vị trí thủ tướng, mà sẽ là "kẻ tạo vua". Trong một tuyên bố, giáo sĩ 44 tuổi cho biết ông sẵn sàng hợp tác với nhiều đảng khác, nhưng không nhắc đến liên minh Nhà nước pháp quyền của cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki hoặc liên minh al-Fath.

Đáng nói, ông Sadr là nhân vật chỉ trích gay gắt các chính sách của Mỹ tại Trung Đông, nên thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử ngay lập tức đặt ra những nghi vấn về việc duy trì sự hiện diện binh sĩ xứ cờ hoa tại Iraq. Thắng lợi này được cho có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Iraq. Thực ra, giáo sĩ Sadr từng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi trở thành thủ lĩnh trẻ tuổi của lực lượng dân quân mang tên Quân đội Mahdi chống lại binh sĩ Mỹ sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003. Sau đó, lực lượng này đổi tên thành Lữ đoàn Hòa bình và tập hợp các thành viên của họ để bảo vệ các ngôi đền của người Shiite trước mối đe dọa tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Những năm gần đây, giáo sĩ Sadr ngày càng thực dụng và đã thành lập một liên minh chính trị đề cao chủ nghĩa dân tộc chứ không ngả theo Iran hay Mỹ như một số chính khách khác. Năm 2016, ông trở thành nhân vật trung tâm khi dẫn đầu làn sóng biểu tình phản đối tham nhũng và đòi cải cách chính trị ở Iraq. Sức mạnh chính trị ông được thể hiện qua việc kêu gọi hàng ngàn người ủng hộ xông vào chiếm giữ Vùng Xanh (Green Zone) vốn được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thủ đô Baghdad, nơi phần lớn chính khách Iraq sinh sống và đặt Đại sứ quán Mỹ, để yêu cầu cải cách chính trị.

“Ông ấy là chính khách duy nhất có tầm nhìn rõ rệt cho Iraq. Iraq trước tiên, loại bỏ tham nhũng và một chính phủ kỹ trị”- một nhà ngoại giao giấu tên của phương Tây nhận xét về giáo sĩ Sadr. Trong một bình luận trên Twitter hôm 14-5, ông Sadr cũng cho thấy muốn thay thế nội các tại quốc gia Vùng Vịnh này vốn gồm những người được bổ nhiệm dựa trên cơ sở sắc tộc và đảng phái bằng các bộ trưởng kỹ trị. 

THANH BÌNH (Theo Washington Post, Aljazeera, Rudaw)

Chia sẻ bài viết