10/06/2018 - 07:44

Mỹ dùng AI để tìm kiếm tên lửa hạt nhân 

Quân đội Mỹ đang đẩy mạnh chi tiêu cho một nghiên cứu bí mật nhằm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp dự đoán các vụ phóng tên lửa hạt nhân,  theo dõi và nhắm mục tiêu vào các bệ phóng di động tại Triều Tiên cũng như mọi nơi trên thế giới.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ảnh: Reuters
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ảnh: Reuters

Hiện có rất ít thông tin về nghiên cứu trên, song một số quan chức Mỹ liên quan đến dự án tiết lộ với hãng tin Reuters rằng quân đội xứ cờ hoa đang tiến hành nhiều chương trình phân loại để tìm cách phát triển các hệ thống sử dụng AI nhằm bảo vệ nước này khỏi một vụ tấn công bằng tên lửa hạt nhân tiềm năng. Nếu nghiên cứu thành công, các hệ thống máy tính có thể tự “tư duy”, xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ, gồm cả hình ảnh vệ tinh với tốc độ và tính chính xác vượt xa khả năng của con người, đồng thời tìm kiếm dấu hiệu của công tác chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa. Nhờ đó, Chính phủ Mỹ có thể đưa ra các giải pháp ngoại giao hoặc trong trường hợp sắp xảy ra một cuộc tấn công, quân đội nước này sẽ có thêm thời gian để tiêu hủy tên lửa trước khi nó được phóng đi, hoặc đánh chặn nó.

Một quan chức Mỹ cho biết, nghiên cứu này bao gồm một dự án thí điểm nhắm mục tiêu vào Triều Tiên, trong bối cảnh Washington ngày càng tỏ ra lo ngại về kế hoạch phát triển các hệ thống tên lửa di động của Bình Nhưỡng vốn có thể được giấu trong các đường hầm, cánh rừng hay hang động. Theo đó, Lầu Năm Góc đã sử dụng AI để xác định các vật thể từ các đoạn video do máy bay không người lái thu thập được.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nói rằng mức chi tổng thể dành cho AI trong các chương trình quân sự vẫn còn khá thấp. Được biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tăng gấp 3 lần ngân sách năm tới lên 83 triệu USD cho chỉ một trong những chương trình phòng thủ tên lửa sử dụng AI. Dù con số này còn khá nhỏ nhưng nó cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc nghiên cứu các hệ thống chống tên lửa sử dụng AI tại thời điểm mà Mỹ đang phải đối mặt với nước Nga với lực lượng quân đội hùng mạnh và mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên.

Nguy cơ chạy đua vũ trang AI

Hiện Mỹ đang trong cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc nhằm đưa AI vào cỗ máy chiến tranh của mình để tạo ra những hệ thống tự hành tinh vi có thể tự học cách tự thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Nghiên cứu của Lầu Năm Góc nhằm sử dụng AI để nhận diện nguy cơ tấn công tên lửa và theo dõi các bệ phóng tên lửa di động mới là phần mở đầu của nỗ lực chung này. Song, cả giới ủng hộ lẫn chỉ trích đều cho rằng việc làm này sẽ mang lại nhiều rủi ro lớn. Theo đó, nó có thể đẩy nhanh tốc độ ra quyết định trong trường hợp xảy ra một khủng hoảng hạt nhân nhưng cũng có thể làm gia tăng những sai lầm do máy tính tạo ra, đồng thời sẽ khiêu khích một cuộc chạy đua vũ trang AI với Nga và Trung Quốc vốn có thể làm xáo trộn cân bằng hạt nhân toàn cầu.

Tướng không quân John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược (STRATCOM, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát kho vũ khí hạt nhân và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ), khuyến nghị rằng một khi các hệ thống sử dụng AI đi vào hoạt động hoàn chỉnh, Lầu Năm Góc cần đưa ra các biện pháp để đảm bảo con người chứ không phải máy tính kiểm soát tốc độ ra quyết định về hạt nhân.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết