08/08/2018 - 07:54

Mỹ đơn phương khôi phục lệnh trừng phạt Iran 

Hôm qua, Mỹ bắt đầu tái áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt khắt khe đối với Iran, vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Duy trì “sức ép tối đa”

Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7-8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran. Giấy phép để Iran mua máy bay và phụ tùng của Mỹ và châu Âu cũng bị hủy bỏ, vài ngày sau khi Tehran tiếp nhận 5 máy bay thương mại mới từ các đối tác châu Âu.

Tổng thống Iran Rouhani (trái) và ông Trump. Ảnh: Sky News
Tổng thống Iran Rouhani (trái) và ông Trump. Ảnh: Sky News

Giải thích về quyết định trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rõ trong sắc lệnh hành pháp được ký ngày 6-8 rằng các lệnh cấm vận này nhằm gia tăng sức ép tài chính lên Tehran để có được “một giải pháp lâu dài và toàn diện” cho các mối đe dọa từ Cộng hòa Hồi giáo, bao gồm phát triển tên lửa và hoạt động “phá hoại” trong khu vực. Chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa chỉ trích thỏa thuận mà Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 là “kinh khủng và một phía do không đạt được mục tiêu cơ bản nhằm chặn mọi ngả đường dẫn Iran đến với bom hạt nhân”. Chính quyền ông Trump khẳng định chiến lược của Mỹ là duy trì “sức ép tối đa” lên Iran cho đến khi đạt được mục đích. Sau khi Tổng thống Trump kêu gọi Iran phải thay đổi hành vi “gây bất ổn” nếu không muốn tiếp tục bị cô lập kinh tế, người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã tố Mỹ phát động “cuộc chiến tâm lý”.

Vào ngày 4-11 tới, tức 6 tháng sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA, Nhà Trắng sẽ tiếp tục áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào các lĩnh vực hàng hải, năng lượng và các giao dịch dầu mỏ cũng như thỏa thuận kinh doanh giữa những thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran. Bước đi này được cho sẽ gây tổn hại lớn hơn mặc dù nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ không sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn giao thương năng lượng với Iran. Giai đoạn giữa hai đòn trừng phạt này là thời gian để các công ty làm ăn với Iran ngừng hoạt động của họ. Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng” dành cho doanh nghiệp và cá nhân tiếp tục qua lại với Tehran, gần 100 công ty nước ngoài được cho đã bày tỏ ý định rút chân khỏi thị trường này.

EU quyết bảo vệ lợi ích kinh tế của khối và JCPOA

Hành động đơn phương của Mỹ diễn ra bất chấp các bên ký kết thỏa thuận JCPOA kêu gọi ông Trump không từ bỏ văn kiện lịch sử vốn đạt được dưới thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Hôm 6-8, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết khối này “rất tiếc” trước động thái của Washington, đồng thời nhấn mạnh EU quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu làm ăn hợp pháp với Iran.

Để chứng minh điều này, liên minh 28 quốc gia thành viên đã kích hoạt điều luật phong tỏa để bảo vệ các công ty “nhà” trước tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nội dung chính của điều luật, có hiệu lực vào ngày 7-8, là yêu cầu tất cả các công ty của lục địa già không phải tuân thủ những đòi hỏi của Nhà Trắng về việc từ bỏ mọi hoạt động thương mại với Iran. Những công ty quyết định rút lui vì các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cần có ủy quyền của Ủy ban châu Âu, mà nếu không có nó, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện bởi chính các nước thành viên EU. Cơ chế này cũng mở đường cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của khối kiện chính quyền Mỹ. Lần cuối EU sử dụng điều luật phong tỏa là vào năm 1996 để bảo vệ lợi ích kinh tế của khối trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Cuba.

Tuy nhiên, bất chấp quan điểm cứng rắn trên, hiện có những lo ngại về hiệu quả của điều luật phong tỏa. Các quan chức EU thừa nhận các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Iran sẽ gặp rủi ro.

THANH BÌNH (Theo AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mỹ-Iran