11/03/2018 - 09:55

Mỹ có thể đàm phán miễn trừ mức thuế quan mới 

Dưới sức ép từ đồng minh và giới lập pháp Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 9-3 đã có động thái mở đường miễn trừ cho nhiều quốc gia không bị ảnh hưởng từ mức thuế mới áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sẽ có nhiều cuộc hội đàm cấp cao khi Washington tiến hành xem xét quyền miễn trừ mức thuế quan mới. Theo đó, ngoài Canada và Mexico, ông Trump nhiều khả năng tiếp tục cân nhắc miễn trừ cho một số quốc gia cùng các tập đoàn Mỹ. Bộ trưởng Mnuchin nói thêm, ông có trao đổi với những quan chức đồng cấp và hy vọng sẽ có thay đổi trong hai tuần tới. Trước mắt, Bộ Thương mại Mỹ trong 10 ngày tới sẽ cung cấp chi tiết những sản phẩm có thể được miễn áp thuế mới. Ưu đãi sẽ dựa trên việc Mỹ không thể sản xuất sản phẩm đó hoặc xét đến yếu tố an ninh quốc gia, CNN trích lời ông Mnuchin cho biết. New York Times cho biết hàng loạt các quốc gia như Brazil, Argentina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Liên minh châu Âu đang vận dụng mọi biện pháp từ thuyết phục, cảnh báo, đòn bẩy ngoại giao thậm chí kêu gọi các tiếng nói có ảnh hưởng đối với chính quyền Trump nhằm yêu cầu được miễn trừ.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp mức thuế mới đối với nhập khẩu thép và nhôm. Ảnh: Getty Images

Với vai trò là đồng minh quân sự và kinh tế hàng đầu của Washington tại châu Á, Nhật Bản khẳng định hoạt động xuất khẩu thép và nhôm của nước này sang Mỹ không ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia của Tổng thống Trump. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tích cực thuyết phục Washington khi “nhắc nhở” Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về vai trò đồng minh chiến lược của Seoul trong vấn đề Triều Tiên. Về phần EU, khối này cho rằng họ nên được miễn thuế trên tư cách là đồng minh quân sự lâu đời của Mỹ thay vì bị gán là “mối đe dọa”. Đặc biệt, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop mới đây xác nhận Greg Norman, tay golf nổi tiếng người Úc đồng thời là bạn của ông Trump, đã cùng các lãnh đạo doanh nghiệp khác viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ miễn trừ mức thuế quan mới đối với Canberra.

Song song nỗ lực ngoại giao, các bên liên quan cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng bao gồm khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Washington kiên quyết áp đặt thuế suất mới. Trên thực tế, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế Dani Rodrik tại Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng những mối đe dọa từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đến nay “không thật sự quá nghiêm trọng” như cách người ta đang thổi phồng. Tuy nhiên, các biện pháp bảo hộ của ông Trump mặt nào đó buộc các nước bị ảnh hưởng phải có chiến lược cân bằng vẹn toàn. Theo New York Times, nếu một quốc gia chấp nhận đưa ra điều kiện đổi lấy quyền miễn trừ thương mại, điều này sẽ tạo tiền lệ cho phép Nhà Trắng đòi hỏi hơn nữa trong tương lai để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Mỹ.

Như Tổng thống Trump cho biết ông đã trao đổi với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và hai bên đang nhanh chóng làm việc liên quan “một thỏa thuận an ninh” để Canberra không gánh mức thuế mới khi xuất khẩu mặt hàng nhôm và thép sang Mỹ. Trên Twitter, ông Trump cho biết lãnh đạo Úc đã “cam kết mối quan hệ quân sự, thương mại rất công bằng và đối ứng”. Hiện chưa rõ thực hư “thỏa thuận an ninh” mà ông Trump đề cập, nhưng Thủ tướng Úc đã lên tiếng phủ nhận thỏa thuận mới nào giữa hai nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hôm 9-3 có nói rằng các đồng minh của Washington muốn tránh bị đánh thuế thép và nhôm có thể tăng cường cam kết của họ về tài chính trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Chia sẻ bài viết