12/12/2017 - 14:21

Mỹ cảnh giác trước ảnh hưởng của Trung Quốc 

Theo tiết lộ của Washington Post, chính giới Mỹ đang quan ngại trước phạm vi và quy mô ảnh hưởng của Trung Quốc trong nỗ lực thâm nhập vào các thể chế xứ cờ hoa.

Một lớp học của Viện Khổng Tử Trung Quốc tại Đại học Pace, thành phố New York. Ảnh: Nanjing Normal University

Trước khi giới lãnh đạo chính trị và tư tưởng ở Washington nhận thức được nỗ lực của Trung Quốc trên đất Mỹ, các quốc gia như Úc, New Zealand và Canada đã được đánh động về việc Bắc Kinh sử dụng phương tiện tài chính để chi phối các đảng phái chính trị, hệ thống trường đại học, các viện  nghiên cứu và doanh nghiệp của nước sở tại. Đây là chiến lược gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài và là một phần trong mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc về quyền lực toàn cầu. Trong đó bao gồm mở rộng quân sự, đầu tư trực tiếp ở nước ngoài, tích trữ tài nguyên và nâng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.

Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đồng Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc (CECC), cho rằng việc Washington tập trung vào sự can thiệp của Nga đã bỏ qua những ảnh hưởng ngày một lan rộng của Trung Quốc nhắm tới chính sách công của Mỹ. Theo ông Rubio, việc Bắc Kinh “dốc toàn lực” không đơn giản để nâng vị thế cường quốc châu Á mà còn nhắm mục tiêu đến người Mỹ bản địa. Trong đó, sách lược của Trung Quốc trước hết hạn chế tối đa những thông tin xung đột lợi ích của họ. Kế đến là hợp tác với những người Mỹ có tầm ảnh hưởng để đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp của Bắc Kinh đến những người Mỹ khác.

Trong tuần này, CECC sẽ tổ chức một cuộc điều trần xoay quanh nỗ lực “vươn vòi” của Trung Quốc trên đất Mỹ, qua đó làm rõ hoạt động của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng chính trị, kiểm soát việc thảo luận các chủ đề nhạy cảm, can thiệp vào các thể chế đa phương, đe dọa những nhà bảo vệ nhân quyền, áp đặt kiểm duyệt đối với các nhà xuất bản và ảnh hưởng lên hệ thống giáo dục nước ngoài. Trong đó, Chủ tịch CECC chỉ rõ một trong những mô hình phổ biến hiện nay là Viện Khổng Tử do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tại các trường đại học Mỹ.

Một báo cáo đăng trên tạp chí Foreign Policy mới đây cho biết cựu đặc khu trưởng Hồng Công Đổng Kiến Hoa thông qua Tổ chức Trao đổi Trung-Mỹ (CUSEF) đã cung cấp tài chính cho các viện nghiên cứu Mỹ có tầm ảnh hưởng bao gồm Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins, Viện Brookings và nhiều nơi khác. Tuy CUSEF phủ nhận mục tiêu thúc đẩy ý thức hệ của Chính phủ Trung Quốc, nhưng khó thuyết phục bởi ông Đổng hiện là Phó Chủ tịch Chính Hiệp, cơ quan có liên hệ với Ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn có nhiệm vụ đưa mục tiêu của Bắc Kinh ra bên ngoài.

Trên thực tế, tất cả quốc gia đều muốn tìm kiếm ảnh hưởng ở nước ngoài, theo đuổi quyền lực mềm và truyền bá trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sử dụng công nghệ kết hợp các biện pháp gây áp lực, chính sách kiểm duyệt và đòn bẩy kinh tế đang vượt xa so với trước đây. Đáng nói, theo giới phân tích, hiện đang tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa nỗ lực của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ. Vì vậy, các nhà chuyên môn cho rằng Washington sớm nhận ra ý đồ chính trị của Bắc Kinh là cơ hội tốt, để có biện pháp đáp trả, đặc biệt khi cường quốc châu Á đang tận dụng lỗ hổng sau sự rút lui của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc thúc đẩy các giá trị Mỹ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết