11/02/2018 - 14:51

Mỹ cân nhắc tăng lực lượng thủy quân lục chiến ở Đông Á 

Lầu Năm Góc đang cân nhắc gửi các Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh (MEU) đến Đông Á để đối phó sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này, theo báo Wall Street Journal hôm 9-2.

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận đổ bộ tại Thái Lan năm 2017. Ảnh: AFP

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận đổ bộ tại Thái Lan năm 2017. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, Chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ Robert Neller cho rằng do các đơn vị MEU là lực lượng cơ động, nên họ sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra và tham gia tập trận với các đối tác. “Tôi tin rằng chiến lược quốc phòng trong 4 năm tới của Mỹ và những hướng dẫn khác sẽ đòi hỏi chúng ta phải thích ứng với vị thế toàn cầu hơn. Điều này sẽ định hình sự hiện diện hải quân của chúng ta trong tương lai, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương”- Tướng Neller nói rõ.

Một đơn vị MEU dao động 1.000- 2.200 binh sĩ và được triển khai thực hiện nhiệm vụ trong khoảng 7 tháng, chủ yếu trên biển. Mục đích của MEU là cung cấp lực lượng binh sĩ phản ứng nhanh để đối phó trước mọi tình huống từ thiên tai cho đến đe dọa an ninh. Đơn vị này có thể tác chiến trên đất liền, trên không và trên biển vì họ đóng quân trên các tàu đổ bộ tấn công hoạt động như tàu sân bay cỡ nhỏ (bao gồm tàu lớp Wasp) cũng như được trang bị các chiến đấu cơ. Thủy quân lục chiến Mỹ hiện có 7 MEU, bao gồm 3 đơn vị đóng tại Duyên hải phía Tây, 3 đơn vị ở Duyên hải phía Đông và một ở Nhật Bản. Trong đó, lính thủy đánh bộ của các đơn vị Duyên hải phía Tây đang được triển khai ở Iraq, Afghanistan và gần đây là Syria. Trong khi đó, Mỹ cũng có 50.000 binh sĩ hiện đóng quân tại Nhật Bản, khoảng 29.500 ở Hàn Quốc và hơn 7.000 trên đảo Guam.

Các quan chức Lầu Năm Góc đề cập đến kế hoạch trên không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới, trong đó gọi Nga và Trung Quốc là “những cường quốc xem xét lại”. Trung Quốc được cho ngày càng “lấn lướt” tại Thái Bình Dương trong thập niên qua, đặc biệt ở Biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh bắt đầu hướng chú ý sang Biển Hoa Đông - động thái khiến các đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại. Kế hoạch triển khai MEU của Mỹ cũng xuất hiện ở thời điểm căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tăng cao.

Do vậy, việc triển khai MEU cũng nhằm cam kết với các đồng minh châu Á rằng Mỹ sẽ không giảm bớt sức mạnh tại khu vực này. Tuy nhiên, các quan chức quân sự cũng giải thích rằng không nên xem việc tăng cường các đơn vị MEU ở châu Á là bước chuẩn bị chiến tranh liên quan vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, mà là một phản ứng nhằm ngăn chặn mối đe dọa mà quân đội Mỹ sẽ gặp trong 4 năm tới.

Dù vậy, một số người lo ngại kế hoạch của Lầu Năm Góc có thể khiến căng thẳng với Trung Quốc và Triều Tiên tăng cao. Trong đó, Trung tướng về hưu của Mỹ Daniel Davis tin rằng sai lầm nếu điều lực lượng thủy quân lục chiến đến Đông Á để đối phó với chuyện Trung Quốc “quân sự hóa” trên Biển Đông. “Giải pháp ngoại giao sẽ không hiệu quả nếu bạn treo chiếc búa trên đầu của đối tác đang đàm phán”- ông Davis lập luận. Theo chuyên gia quân sự này, bắt đầu rút các lực lượng quân sự Mỹ khỏi Trung Đông là ý kiến tuyệt vời, nhưng cần đưa họ về nhà và không đẩy sang châu Á khi mà nơi đây nhiều khả năng được sử dụng cho cuộc chiến trên bộ với hậu quả thảm khốc hơn.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết