12/10/2012 - 15:26

Trước ngọn lửa bất ổn chính trị tại Syrie

Mỹ “áp sát”, Thổ Nhĩ Kỳ “làm căng”

Mỹ quyết định điều quân đến Jordanie trong cái gọi là "ứng phó trước những bất ổn tại Syrie". Ảnh: AP

Việc Mỹ triển khai quân đến khu vực biên giới Jordanie giáp với Syrie đã dấy lên những hoài nghi về khả năng Washington có thể can thiệp quân sự vào cuộc xung đột kéo dài tại Syrie, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Damas và Ankara có dấu hiệu ngày càng nóng.

Dấu giày của lính Mỹ tại Jordanie

Hôm 10-10, phát biểu tại Thủ đô Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, Washington vừa gửi một toán lính sang Jordanie nhằm cải thiện khả năng tác chiến của quân đội nước này trước tình hình bất ổn tại Syrie, có thể ảnh hưởng đến Jordanie và cả khu vực Trung Đông.

"Chúng tôi đang hợp tác với Jordanie vào lúc này vì có nhiều vấn đề nổi lên bắt nguồn từ những gì đang xảy ra ở Syrie"- tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo ông Panetta, những vấn đề trên bao gồm cả việc kiểm soát số vũ khí hóa học nhằm "đưa ra hướng đối phó trước bất cứ lo ngại nào tại khu vực này", đồng thời giúp giải quyết vấn đề người tị nạn Syrie tại Jordanie.

Hầu hết 150 binh lính được triển khai lần này đều thuộc lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ với một số lính sẽ lưu lại Jordanie trong nhiều tháng, ông Panetta cho biết thêm. Trong khi đó, tờ Thời báo New York của Mỹ hôm 9-10 trích nguồn tin khá gần với kế hoạch triển khai quân nói trên cho rằng lực lượng binh lính đến Jordanie bao gồm 150 nhà hoạch định và các chuyên gia khác có mặt tại căn cứ phía Bắc Thủ đô Amman. Thời báo New York còn nhận định động thái mới nhất này cho thấy lần đầu tiên Mỹ triển khai quân có liên quan trực tiếp với cuộc khủng hoảng chính trị hơn 19 tháng ở Syrie.

Thổ Nhĩ Kỳ chặn máy bay dân sự của Syrie

Lửa bất ổn bùng cháy dữ dội tại Syrie đã lan sang vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần một tuần qua khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Mối quan hệ ấy càng nóng hơn khi hôm 10-10, một máy bay dân sự của Syrie đã bị các máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ áp sát và buộc hạ cánh khẩn cấp xuống Thủ đô Ankara do nghi ngờ vận chuyển vũ khí.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, máy bay Syrie trên đường từ Thủ đô Mát-xcơ-va của Nga đến Damas khi vào không phận của họ bị buộc hạ cánh là loại máy bay A-320 đang chở 30 hành khách. Trước đó vài giờ, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh ngưng tất cả các chuyến bay chở khách của quốc gia này bay qua không phận Syrie, nhằm ngăn chặn hành động trả đũa tương tự.

Nhấn mạnh trên kênh truyền hình TGRT của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu đưa ra lý do buộc máy bay Syrie hạ cánh là vì nghi ngờ máy bay này chở "hàng hóa phi dân sự" và "vật liệu cấm". Trong khi đó, tờ Today’s Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức nước này "đã phát hiện thiết bị liên lạc quân sự và những bộ phận có thể sử dụng trong các tên lửa có trên máy bay".

Vụ việc xảy ra giữa lúc căng thẳng quan hệ Syrie và Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang bắt nguồn từ vụ pháo cối của Syrie bay sang Thổ Nhĩ Kỳ khiến 5 dân thường nước này thiệt mạng hôm 3-10. Diễn biến trong những ngày tiếp theo là khói lửa liên tục bao trùm khu vực biên giới giữa hai nước sau những lần pháo kích đáp trả lẫn nhau.

Phát biểu tại Hội nghị Hồi giáo đang diễn ra tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh Ankara đã kiềm chế trong việc đáp trả trước các vụ pháo kích từ Syrie, nhưng khi đã có 5 thường dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng thì "chúng tôi phải đáp trả mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể".

Hôm 10-10, trong chuyến thăm tại thị trấn Akcakale, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Necdet Ozel cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ sử dụng hỏa lực mạnh hơn để đáp trả nếu Syrie tiếp tục tấn công". Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường vũ khí, quân đội và máy bay phản lực dọc biên giới dài 900km với Syrie kể từ sau vụ pháo kích ngày 3-10.

THANH BÌNH
(Theo LA Times, Washington Post, AP, Reuters)

Mỹ quyết định điều quân đến Jordanie trong cái gọi là "ứng phó trước những bất ổn tại Syrie". N

Chia sẻ bài viết