18/11/2017 - 18:46

Muộn phiền để bên ngoài cánh cửa... 

Mỗi lần đọc bài “Thơ tình ngày biển động” của Bằng Việt, tôi rất thích các câu: “…Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa… Hạnh phúc ta cần, thực cũng giản đơn thôi…”.  Bão ở đây không chỉ là chuyện thời tiết, còn là tâm trạng, cảm xúc bản thân, tiết chế để không ảnh hưởng người xung quanh. Còn gì tuyệt vời hơn sau ngày lao động mệt nhọc, trở về tổ ấm thân yêu gặp người thân, thưởng thức bữa cơm ngon, sẻ chia tâm sự. Thế nhưng, để xây dựng ngôi nhà thật sự là điểm tựa bình yên, trao nhau năng lượng, tích cực vui sống là điều không phải ai cũng dễ chạm tới.

Tôi có cô bạn tên Ngọc (36 tuổi), ở phường An Bình (quận Ninh Kiều), rất yêu hoa và thích trang trí nhà cửa. Mỗi tháng, lương hai vợ chồng sau khi thanh toán các khoản cần thiết, đều trích ra một phần để Ngọc sắm sửa như thay rèm, sơn cửa sổ, mua vật dụng làm bếp, trồng hoa trước cổng… Những buổi chiều, vợ chồng thường ngồi bên bậc thềm trò chuyện, ngắm  con gái lớp 3, gương mặt rạng ngời, ngồi đọc sách, học bài trên chiếc xích đu nhỏ bằng gỗ do cha đóng.

Hơn 40 năm bên nhau, vợ chồng chú Chửng đồng lòng vượt khó, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: KIỀU CHINH

Có cuộc sống an nhiên như bây giờ, Ngọc bỏ ra rất nhiều công sức. Không chỉ thay đổi bản thân với phương châm “biết đủ là đủ”, Ngọc còn giúp chồng lấy lại tinh thần sau khoảng thời gian chán nản vì thất nghiệp, nuôi con bệnh hiểm nghèo. Ngọc tâm sự: “Qua nhiều biến cố, tôi nghiệm ra rằng, điều quý nhất đối với tôi không phải mỗi tháng kiếm bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, con học giỏi thế nào mà là tâm trạng, sức khỏe, chất lượng cuộc sống người thân ra sao. Tôi muốn chồng con khi về nhà thật sự được nghỉ ngơi, mọi muộn phiền tạm thời để bên ngoài dù hôm sau chúng tôi đi làm rất vất vả. Trước đây, do chưa biết sắp xếp, tôi thường mang việc về làm đến nửa đêm. Tôi không còn thời gian nấu ăn, chơi với con, khiến không khí gia đình ngột ngạt. Chồng tôi thường viện cớ ra ngoài đi nhậu để tránh gây gổ. Hiện hàng tháng tôi phải trả nợ, lo toan nhiều thứ nhưng không vì thế mà để các thành viên khác chịu áp lực theo”.

Chị Trương Thúy Lâm (phường Xuân Khánh) hay “khoe” mái ấm của mình. Chị tự hào vì thuyết phục được chồng con phối hợp giữ cho gia đình hòa thuận, nề nếp. Nếu có mâu thuẫn, hiểu lầm phải giải quyết ngay, không để hờn giận “hiện diện” trong nhà và càng không để chuyện riêng bên ngoài ảnh hưởng đến nhau. Sau cánh cửa nhà chị Lâm là mùi thơm thức ăn; cha dạy con học, cả nhà quây quần xem ti vi, là căn phòng ngủ thoảng hương tinh dầu… Xây dựng được những giá trị này, chị Lâm buông bỏ nhiều thứ, khéo léo lôi kéo chồng con hợp tác. Vợ chồng chị chịu nhiều áp lực công việc, nhất là chồng chị, 5 giờ sáng ra khỏi nhà, tối mịt mới về. Thấu hiểu chồng vất vả, chị luôn chuẩn bị bữa cơm thật ngon để anh nạp năng lượng. Cảm kích tấm chân tình của vợ, anh thường từ chối tiệc tùng, tranh thủ về nhà vì biết vợ con chờ đợi. Chỉ khi nào gia đình có mặt đầy đủ, mỗi người mới yên tâm đi ngủ.

Khi chúng tôi đến nhà, chú Nguyễn Văn Chửng (quận Ô Môn) đang cùng vợ chăm sóc mấy cây hạnh sai trái, cho gà, vịt, cá ăn. Mấy chục năm qua, trong căn nhà thoáng mát, rộng rãi này, các con chú được sống trong bầu không khí ấm áp tình thân, nay đều thành đạt, tạo dựng cơ ngơi ổn định. Hơn 40 năm chia ngọt sẻ bùi, vợ chồng chú Chửng vẫn dành cho nhau sự tôn trọng, tin cậy. Chú Chửng bồi hồi kể chuyện xưa, nhiều bữa trong nhà không còn gạo để nấu nhưng nhờ vợ chồng đồng lòng nên khó khăn nào cũng qua. Có điểm tựa bình yên, chú như được tiếp thêm sức mạnh lao động cật lực, kiếm tiền nuôi con ăn học. Chú Chửng tâm sự: “Cả ngày lam lũ ngoài đồng, khi về gia đình đầm ấm, dù ăn cơm trắng tôi cũng vui”.

Tạo dựng không khí gia đình tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, đòi hỏi người trong cuộc phải biết tiết chế cái tôi, thấu hiểu bạn đời, lắm khi phải hy sinh, nhường nhịn để nhà cửa yên ấm. Anh bạn đồng nghiệp của tôi ly hôn đã lâu nhưng vẫn ám ảnh chuyện cũ. Do yêu cầu công việc, anh thường đi tiếp khách, nhậu nhẹt đến khuya, có khi bạn phải đưa về, chuyện mất bóp, máy tính, tiền… thường xảy ra. Vợ khuyên hoài, anh không nghe, dần chuyển sang... nặng lời, cãi vã. Khuya cỡ nào vợ cũng đợi anh, cấp độ chì chiết cũng tăng theo, khiến anh mắc cỡ với con cái, xóm giềng, không dám về nhà. Thậm chí khi anh bị viêm họng cấp, sốt nằm viện cũng không dám nói với vợ. Cuộc sống trong nhà nặng nề như địa ngục, có bữa cầm chén cơm nuốt không vô. Biết mình có lỗi khiến vợ trở nên hung dữ, nhưng mọi việc đi quá xa, anh đành chọn giải pháp chia tay.

Qua các vụ án liên quan hôn nhân gia đình thời gian gần đây cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là do xung đột, mâu thuẫn giữa vợ chồng.  Ngôi nhà thay vì là mái ấm để nghỉ ngơi, thư giãn, người trong cuộc “biến” thành... bãi chiến trường, trút lên nhau những đắng cay. Cuộc sống vốn phức tạp với bao áp lực, vợ chồng cần biết thông cảm, cùng nhóm lửa yêu thương, để mỗi ngày được tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào.

Mọi muộn phiền, bão giông, xin để bên ngoài cánh cửa…

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết