14/11/2010 - 20:39

Phát triển đội ngũ luật sư TP Cần Thơ phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

Mừng và lo !

Nghị quyết 49-NQ/TW (NQ49) ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra định hướng phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Để đưa NQ49 vào thực tiễn, ngày 26-10-2010, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án). Với đề án này, nhiều người mừng vì thời gian tới sẽ có đội ngũ luật sư chuyên sâu, có thể tham gia tranh tụng ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nỗi lo... liệu đội ngũ luật sư hiện nay có đáp ứng cả về chất lẫn về lượng?

HƯỚNG MỞ CHO ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ

Hoạt động của Đoàn Luật sư TP Cần Thơ thời gian qua đã có những tiến bộ nhất định. Đối tượng yêu cầu luật sư ngày càng tăng, không chỉ cá nhân mà còn có các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài. Điều đó chứng tỏ nhiều người tin tưởng vào uy tín, khả năng của các tổ chức hành nghề luật sư. Theo đánh giá chung của Bộ Tư pháp, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ là một đoàn mạnh đứng thứ tư của cả nước, chỉ sau Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và tỉnh Đồng Nai. Các luật sư TP Cần Thơ tham gia tố tụng trong phạm vi khá rộng tại các Tòa án thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, QK9, TP Hồ Chí Minh, miền Đông, miền Trung và các tỉnh phía Bắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài thành phố.

Đề án đặt ra mục tiêu là xây dựng và phát triển đủ số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư để đáp ứng nhu cầu tư vấn và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có cơ quan, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Đến năm 2015, số lượng luật sư trên địa bàn thành phố là 300 người; đến năm 2020 là 400 người. Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ khoảng 1 luật sư/5.000 dân. Để đạt được con số này, đòi hỏi phải có chính sách thu hút của thành phố đối với nguồn luật sư trẻ. Và đây cũng là động lực để nguồn sinh viên luật sẽ và sắp ra trường mạnh dạn bước tiếp con đường đến nghề luật sư.

Ngoài việc phát triển số lượng, đề án cũng đề cập phát triển các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng hình thành các công ty luật chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 5 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực này. Tạo môi trường hành nghề luật sư thuận lợi trong từng lĩnh vực gồm: tranh tụng hình sự; tham gia tố tụng giải quyết vụ việc về dân sự, hành chính, lao động, thương mại; lĩnh vực tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, tham gia giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài; lĩnh vực đại diện ngoài tố tụng. Nâng tỷ lệ các vụ việc, vụ án có luật sư từ 80% - 100%; đồng thời là tiêu chí xem xét, đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính, tổ chức khác. Tiếp tục phát triển các tổ chức hành nghề luật sư có đội ngũ luật sư có quy mô lớn, đáp ứng 80% nhu cầu của khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh xung quanh.

Từ nay đến năn 2015, thành phố sẽ xây dựng Kế hoạch phối hợp với cơ quan hữu quan mở các lớp đào tạo đội ngũ luật sư; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư liên quan đến thương mại quốc tế; cử luật sư tham dự các khóa đào tạo tiếng nước ngoài về lĩnh vực kinh tế, thương mại cho luật sư; đào tạo sau đại học cho luật sư trẻ. Quan tâm thích đáng đến hoạt động tư vấn pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Sớm có chính sách khuyến khích sử dụng có hiệu quả đội ngũ luật sư cũng như tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào việc tư vấn, giải quyết các vấn đề liên đến các hợp đồng, dự án có liên quan đến tổ chức nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố là chủ đầu tư. Đó là những hướng mở và là động lực để thu hút nguồn luật sư có năng lực cho TP Cần Thơ.

CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN

Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ hiện có 126 luật sư chính thức và 72 người tập sự hành nghề. Luật sư tham gia hoạt động với 47 văn phòng luật sư, 9 công ty luật và 9 chi nhánh. Các tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu tập trung ở quận: Ninh Kiều, Bình Thủy và rải rác ở các quận, huyện khác. Hàng năm, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố nhận khoảng 1.650 vụ, giải quyết hoàn thành khoảng 1.200 vụ; nhận án chỉ định từ 350 đến 370 vụ, đều hoàn thành tốt. Về công tác tư vấn pháp luật, ngoài việc các luật sư thực hiện tư vấn pháp luật tại các tổ chức hành nghề luật sư của mình, còn có khoảng hơn 40 luật sư đăng ký cộng tác tại các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của  thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang...

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2015, số lượng luật sư trên địa bàn TP là 300 người. Tuy nhiên, cũng theo đề án thì thời gian này số lượng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư chỉ có 10 người; năm 2020 số lượng này là 15 người; trong đó, số luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế là 5 người trở lên, bao gồm cả những người được đào tạo hoặc tự đào tạo nhưng được thu hút theo chính sách của Đề án. Con số luật sư được đào tạo chuyên sâu, đạt tiêu chuẩn quốc tế so với số lượng luật sư theo đề án đặt ra còn khá khập khiễng. Theo ông Nguyễn Viết Bình, Ủy viên thường vụ Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ: “Hiện nay, số lượng luật sư trên địa bàn TP Cần Thơ là 198 luật sư có cả chính thức và tập sự. Trong đó, có chỉ khoảng 5-10 người nói, viết, dịch được ngoại ngữ, nhưng chủ yếu là những luật sư đã lớn tuổi, còn đội ngũ trẻ hiện nay yếu cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Để đáp ứng được theo đề án đề ra, thì Đoàn Luật sư thành phố cũng như tất cả luật sư phải nỗ lực rất lớn và đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước”.

Nhiều luật sư cho rằng không chỉ luật sư ở TP Cần Thơ mà ngay cả luật sư trong cả nước, chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa nên nhiều luật sư còn yếu về trình độ, thiếu kinh nghiệm khi tham gia tố tụng. Đa số luật sư hành nghề bằng những kinh nghiệm tự đúc kết, tự học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, cũng còn một số luật sư chưa có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, chỉ quan tâm đến thù lao mà coi nhẹ chất lượng hành nghề. Theo kết quả thống kê của Bộ Tư pháp đến tháng 5-2008, tỷ lệ luật sư cả nước có thể sử dụng thành thạo máy vi tính là 61,93%; tỷ lệ luật sư có thể sử dụng ngoại ngữ chiếm 15,23%, luật sư có thể sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong hành nghề còn rất ít.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế, Đề án đặt ra phải đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại đến năm 2015 là 10 người, năm 2020 là 15 người. Con số này thoạt nhìn thấy khá ít, nhưng nó là cả vấn đề với Đoàn Luật sư TP Cần Thơ. Theo ông Nguyễn Viết Bình, hướng tới phải chọn những sinh viên ngành luật, học lực đạt loại giỏi ở các trường đại học để thành phố có kế hoạch đầu tư, đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thời gian qua, Đoàn Luật sư thành phố có 4 người có trình độ sau đại học và đi học ở nước ngoài về, nhưng do nhu cầu người dân tìm đến luật sư không nhiều nên 4 người này đã rời Đoàn Luật sư thành phố để đi làm ở TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là nỗi băn khoăn của Đoàn Luật sư thành phố khi đưa đội ngũ trẻ đi đào tạo. Vì nếu không có “đầu ra” cho đội ngũ này, thì việc chảy chất xám luật sư ở thành phố là tất yếu. Hiện nay, chỉ có khoảng 20% các vụ án hình sự là có luật sư tham gia.

TP Cần Thơ đang tập trung đào tạo đội ngũ luật sư trẻ theo hướng chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đoàn Luật sư thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Luật sư trẻ để tổ chức sinh hoạt định kỳ, tìm mọi cách để đội ngũ luật sư trẻ có điều kiện phát triển cả về chất lẫn về lượng. Mặc dù còn nhiều băn khoăn trong việc đáp ứng các mục tiêu do Đề án đặt ra, nhưng nếu thành phố nỗ lực và quyết liệt thực hiện các biện pháp theo đề án, bên cạnh sự phấn đấu của chính mỗi luật sư, các cử nhân luật có tâm huyết với nghề thì chắc rằng không chỉ có 10 người hay 15 người đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế mà con số này có thể còn cao hơn nữa.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết