17/06/2015 - 15:21

Mừng, lo trước giờ hội nhập

Năm 2018, nông nghiệp Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa, hội nhập. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tất nhiên, ai cũng muốn nắm bắt lấy cơ hội, nhưng với những gì đã và đang diễn ra thì vẫn không khỏi lo lắng…

Nghe, thấy và... lo

Những cuộc "giải cứu" dưa hấu Quảng Ngãi và hành tím Vĩnh Châu gần đây; hay những lô tôm xuất khẩu bị trả về do tồn dư hóa chất cấm và cả hạt gạo thơm Sóc Trăng bị mất lòng tin khách hàng về phẩm chất do bị đấu trộn, phơi sấy, bảo quản không đúng quy trình càng làm tăng thêm nỗi lo trước thềm hội nhập. Chuyện nông dân thiếu thông tin, nên sản xuất dựa vào may rủi đã đành, nhưng còn chuyện tổ chức, quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất gắn với thị trường đến nay vẫn chưa thật sự là điểm tựa, là niềm tin cho nông sản bước vào hội nhập.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nay vẫn còn rời rạc, nhỏ lẻ và manh mún; các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ tuy đã được định hình, nhưng chưa nhiều, hiệu quả chưa như mong đợi và chưa tạo được sự an tâm về tính bền vững. Sự cố "bẻ kèo" hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa RVT, hay hành tím (ở thị xã Ngã Năm và Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) không có doanh nghiệp nào thu mua mới đây là một điển hình. Các mô hình kinh tế tập thể như: hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới vốn được kỳ vọng rất nhiều, nhưng đáp ứng chưa được bao nhiêu.

Chăn nuôi nhỏ lẻ được dự báo sẽ khó cạnh tranh với các nước khi hội nhập.

Có quá nhiều việc còn phải làm trong khi thời gian còn lại thì không nhiều. Chẳng những còn nhiều việc phải làm, mà gần như đều là những việc khó, bao gồm: triển khai thực hiện các quy hoạch đã được duyệt; tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung gắn kết với tiêu thụ sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường… Tư tưởng "mạnh ai nấy làm", "thích gì làm nấy" trên cái nền nhỏ lẻ, manh mún chắc chắn sẽ không đủ sức để làm nên chuyện lớn khi bước vào hội nhập. Bởi vậy, cái khó ở đây chính là ở việc thay đổi tư duy của nông dân và doanh nghiệp theo thị trường, để gắn kết họ lại với nhau trong chuỗi giá trị một cách đúng nghĩa.

Góp nhặt từ Thái Lan

Người viết có may mắn được tham qua một số mô hình sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan vào năm 2007 và thấy cách làm của họ khá hay, rất đáng để học hỏi. Đối với những giống gạo đặc sản của Thái Lan muốn xuất khẩu được, doanh nghiệp phải cung cấp cho nhà chức trách đầy đủ xuất xứ thông qua giấy chứng nhận chất lượng được cơ quan chuyên môn cấp cho nơi sản xuất. Quy định trên thoạt nhìn chỉ nhằm vào doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng thật ra nó chính là điều kiện ràng buộc nông dân phải sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc gia vì nếu không, sẽ chẳng có doanh nghiệp nào dám thu mua.

Tương tự như thế đối với một số mặt hàng nông sản khác nên việc tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm diễn ra rất thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Trong chuyến tham quan trên, khi tiếp xúc với một doanh nhân người Việt ở chợ đầu mối nông sản Tà Lách, vị doanh nhân này cho biết, khi cần chủng loại nông sản gì, số lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn thế nào và cả quy cách đóng gói ra sao, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với đại diện nông dân và gởi bao bì xuống cho họ là đúng hẹn sẽ có hàng xuất khẩu ngay.

Tôi thắc mắc: "Vậy còn khâu kiểm tra chất lượng thì sao"? Vị doanh nhân này chỉ cười, rồi nói: "Nếu như sản phẩm xuất khẩu có vấn đề về chất lượng, khi truy ra, nếu là lỗi của nơi cung cấp thì nơi đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng đã ký kết". Nói rồi vị này kể cho tôi nghe, có lần lô hàng rau xanh của anh xuất khẩu sang Đài Loan bị phía đối tác trả về và phạt nặng do nhiễm vi sinh gây bệnh đường ruột. Ngay sau khi có thông báo từ phía đối tác, nhà chức trách nhanh chóng lần theo xuất xứ sản phẩm tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện ra vi sinh nhiễm trong rau có từ phân hữu cơ chưa được xử lý đảm bảo. Vậy là phần thiệt hại do cơ sở sản xuất phân hữu cơ gánh chịu, chứ không phải anh hay nông dân.

Giữ sân nhà để vươn xa

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến hội nhập hay xúc tiến thương mại cho hàng nông sản gần như chúng ta chỉ mới quan tâm đến việc xuất khẩu, mà ít khi chú trọng đến thị trường nội địa. Đây sẽ là sai lầm dễ dẫn đến việc thua ngay "trên sân nhà", vì khi các FTA có hiệu lực, hàng nông sản của các bên tham gia đều thuận lợi thâm nhập thị trường của nhau. Hơn nữa, các nước tham gia FTA phần lớn đều có nền nông nghiệp phát triển và họ luôn xem thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân là một trong những thị trường tiềm năng cho nông sản của họ. Và như thế, việc chiếm lĩnh hay chí ít là giữ được "sân nhà" cũng được xem là hội nhập thành công.

Thực tế cho thấy, dù các FTA chưa có hiệu lực, nhưng không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam phải chịu "lép vế" trước một số nước ngay trên "sân nhà", nhất là sản phẩm chăn nuôi. Chưa chi mà bò Úc đã "húc" bò ta tơi tả trong những năm qua, rồi thịt heo, gia cầm… từ các nước cũng luôn làm điêu đứng ngành chăn nuôi trong nước. Trong khi đó, không ít người vẫn còn lạc quan về thói quen sử dụng thịt nóng của người Việt Nam sẽ giúp sản phẩm chăn nuôi đứng vững khi hội nhập, mà quên rằng, khi xã hội ngày càng phát triển thì thói quen ấy cũng sẽ dần được thay đổi. Ngoài sản phẩm chăn nuôi, một số loại trái cây, đậu nành, bắp… cũng được dự báo sẽ khó đứng vững trên "sân nhà" khi hội nhập.

Nếu nhìn vào biểu thuế của lộ trình hội nhập, không ít người sẽ lạc quan với một số mặt hàng nông sản có khả năng cạnh tranh cao do được hưởng lợi từ mức thuế suất thấp. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không dễ dàng vì  đi kèm với mức thuế suất thấp, các nước nhập khẩu bao giờ cũng đưa ra các hàng rào phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; trong đó, có vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, mà hiện tại, một số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải.

Thời gian không chờ đợi ai, nhưng thời gian vẫn luôn nhắc nhở chúng ta không được ngồi yên để chờ đợi, mà hãy bắt tay nhau cùng hành động trong một chuỗi liên kết bền vững mới có thể tồn tại và phát triển cùng môi trường hội nhập.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết