20/11/2017 - 15:59

Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”:

Mục tiêu khẳng định thương hiệu gạo Việt 

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNN&PTNT tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” (gọi tắt là Quy chế). Hội thảo đã nhận được các ý kiến đóng góp về những quy định chung, điều kiện đăng ký nhãn hiệu, chất lượng gạo, thủ tục cấp chứng nhận, sử dụng và quản lý chứng nhận… Các ý kiến này được đánh giá là thiết thực, sát sườn với thực trạng sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt quy định rất rõ về việc quản lý và sử dụng thương hiệu gạo quốc gia. Đơn cử như: xây dựng các quy định, cơ chế quản lý và sử dụng thương hiệu gạo quốc gia; tổ chức bộ máy phù hợp để quản lý thương hiệu gạo quốc gia; hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia; thúc đẩy các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo đạt các tiêu chí thương hiệu gạo quốc gia…

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: Quy chế được xây dựng trên cơ sở bám sát vào các quy định của Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu nhằm giữ gìn uy tín, quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm gạo Việt Nam; đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm mang thương hiệu này trên thị trường.

Theo dự thảo quy chế, Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE”. Gạo được đề cập trong quy chế là các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng của các giống lúa thuộc loài Oryza sativa L.

Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: là doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương trong suốt quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Việc xay xát gạo phải tiêu chuẩn TCVN 11890:2017 Quy phạm thực hành đối với xay xát, bảo quản và đóng gói trong điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận...

Quy chế cũng nêu rõ thời hạn của Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” là 3 năm và được cấp lại nếu doanh nghiệp có yêu cầu…

Thương hiệu Gạo thơm ST của Sóc Trăng. 

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ở yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất cần có sự cân nhắc vì đây là tiêu chuẩn khó, có thể gây cản trở trong việc chứng nhận.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, chia sẻ: “Nếu áp dụng VietGAP và GlobalGAP thì rất khó vì hiện tại số doanh nghiệp tại ĐBSCL đạt điều kiện này không nhiều. Ngoài ra, thời gian thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu quá lâu (tổng cộng mất 54 ngày), gây mất thời gian và tốn kém chi phí. Mặt khác, trình tự thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận lần đầu quá rườm rà cần phải được chắt lọc, lựa chọn lại sao cho hợp lý”.

Một số ý kiến cho rằng, ở yêu cầu doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận  áp dụng hệ thống quản lý môi trường như ISO 14000 là rất khó. Thay vào đó, chỉ cần doanh nghiệp có Báo cáo kết quả giám sát môi trường là đủ điều kiện.

Theo ông Phan Thanh Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Sóc Trăng, Quy chế cũng cần nêu rõ các trường hợp thu hồi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” (doanh nghiệp vi phạm Quy chế hoặc ngưng hoạt động). Đồng thời đặt vấn đề, nếu doanh nghiệp hoặc các tổ chức ở nước ngoài sử dụng gạo Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh và đáp ứng đủ các yêu cầu đưa ra thì có được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận không?...

Bà Trần Thị Thảo Linh, Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh, Công ty Lương thực Sông Hậu, đề xuất: “Xuất khẩu gạo hiện nay chủ yếu sử dụng thương hiệu của khách hàng. Do đó, Nhà nước nên cho phép sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam song song với thương hiệu của khách hàng để có thể quảng bá gạo Việt, đồng thời đáp ứng tiêu chí truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ, ưu đãi phù hợp về quản lý xuất khẩu, thuế đối với các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích xuất khẩu, hình thành kênh phân phối riêng trên thị trường quốc tế.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước với sản lượng gạo xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn. Chính vì vậy, khi Quy chế ban hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sản xuất, chế biến và xuất khẩu của nông dân và doanh nghiệp.Thông qua Hội thảo, Bộ NN&PTNT sẽ thu thập, ghi nhận ý kiến phản hồi, đề xuất từ doanh nghiệp và các cơ quan đầu ngành để làm cơ sở hoàn thiện Quy chế sát hợp với thực tiễn. 

Ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến và Bảo quản nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khẳng định: “Nhãn hiệu chứng nhận “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” là thương hiệu uy tín. Do đó, doanh nghiệp được cấp chứng nhận phải là doanh nghiệp làm ăn chân chính, có vị thế trên thị trường và vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết