05/02/2008 - 17:18

Mùa xuân & tuổi trẻ

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội...”. Nay Bác Hồ đã đi xa nhưng những lời dạy của Người vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, thúc giục tuổi trẻ ra sức phấn đấu. Nhiều đảng viên trẻ đã không quản ngại khó khăn, tình nguyện về các vùng ngoại thành để phục vụ, cống hiến bằng tất cả niềm tin, tri thức và sức trẻ. Họ đã và đang góp phần điểm tô cho thành phố trẻ thêm rực rỡ sắc xuân.

1. Những vạt nắng vàng ươm tinh nghịch nhảy nhót trên thảm lúa vàng trải dài tít tắp làm lòng người phơi phới. Nâng nhẹ những hạt ngọc trên tay, lão nông Nguyễn Văn Thắng, khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cười tít mắt: “Vụ đông xuân này lại được mùa. Mấy năm nay, nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng giống lúa mới, cán bộ nông nghiệp của phường thường xuyên đi thăm đồng, nên nông dân tụi tui đỡ vất vả hơn”. Trên mảnh ruộng trồng lúa thí nghiệm của gia đình ông Thắng, Trần Thị Thiên Thư – cán bộ nông nghiệp phường - quần áo lấm lem bùn đất, đang trao đổi cùng các lão nông về kinh nghiệm trồng, chăm sóc lúa... Nhìn cảnh ấy, nhiều bà con cứ chặc lưỡi: “Nghĩ tụi nhỏ bây giờ cũng “ngộ” thiệt”.

Theo bà con, “cái ngộ” đầu tiên của Thư là được học cao hiểu rộng, là kỹ sư hẳn hoi, ai đời lại đâm đầu về quê làm ruộng. Còn “cái ngộ” thứ hai là có tật nói dai như đỉa, tối ngày cứ bám theo các lão nông nói ba cái chuyện kỹ thuật trồng trọt, 3 giảm – 3 tăng... Mà hễ nói là nói đến cùng, bao giờ các lão nông chịu làm theo mới nghe. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất, nói: “Cũng nhờ cô Thư “ngộ” như vậy, nông dân tụi tui mới khỏe, trồng lúa trúng lúa, nuôi lươn trúng lươn”.

Thiên Thư và các nông dân phường Thới An Đông đi tham quan, học tập mô hình trồng hoa kiểng để nhân rộng trên địa bàn phường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhắc đến Thư, đồng chí Ngô Văn Nhỏ, Bí thư Đảng ủy phường Thới An Đông cười, nhớ lại: “Ba năm trước, một cô sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đến UBND phường xin vào làm cán bộ nông nghiệp, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì lần đầu có một kỹ sư trẻ xin về phường làm việc, nhưng lo vì không biết vùng đất còn nhiều khó khăn liệu có giữ được bước chân của tuổi trẻ”. Nhưng thực tế đã chứng minh, bằng sự nhiệt tình, sôi nổi của tuổi trẻ, 3 năm qua, Thư đã gắn bó với bà con nông dân. Ngồi bệt trên bờ ruộng, Thư bộc bạch: “Mọi người sợ mình không trụ được nơi này vì không quen vất vả, nhưng mình là nông dân rặt mà, chuyện làm vườn, lội ruộng đối với mình như... ăn cơm bữa”.

Là con gái út trong một gia đình nông dân nghèo ở phường Long Hòa, quanh năm cha mẹ Thư đầu tắt mặt tối, tần tảo trên đồng ruộng nuôi 3 người con ăn học. Thư nhớ như in những năm mất mùa, mẹ ngồi tựa cửa thẫn thờ, còn cha chạy vạy khắp xóm để mượn gạo... Những lúc ấy, Thư rúc vào lòng mẹ, thỏ thẻ: “Mai mốt lớn lên con sẽ học cách trồng lúa thiệt tốt... để cha đỡ cực nghe mẹ”.

Vượt lên sự gian truân, vất vả, Thư luôn chăm chỉ học hành. Năm 1999, Thư đậu vào khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. 4 năm học tập cũng là ngần ấy thời gian phường Long Hòa chuyển mình, phát triển theo hướng đô thị hóa. Nghĩ Thới An Đông là phường xa trung tâm quận, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, nên Thư tình nguyện xin về phường công tác. Những ngày đầu làm việc của cô kỹ sư trẻ bộn bề khó khăn. Dù đã được học tập nhiều kiến thức ở trường, nhưng Thư vẫn cùng các cán bộ khuyến nông ra đồng, trò chuyện với bà con nông dân để hiểu nết người, nết đất. Ngặt nỗi, đến đâu Thư cũng nghe chê “hỉ mũi còn chưa sạch”... Ấm ức trong lòng, Thư càng siêng đi thăm đồng hơn. Có khi cả tuần lễ, Thư đều có mặt trên đồng ruộng để chẩn đoán sâu bệnh và chăm sóc lúa. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời nên vụ đông xuân 2005, trong khi nhiều nơi bị bùng phát bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, thì vùng chuyên canh lúa ở Thới An Đông vẫn an toàn.

Theo tập quán, trước đây nông dân phường Thới An Đông sử dụng giống lúa IR504, năng suất cao nhưng dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh. Phường chủ trương phải thay đổi giống lúa chất lượng cao, có khả năng kháng chịu sâu bệnh. Thư đến từng nhà vận động bà con, nhưng ai cũng lắc đầu. “Không được bỏ cuộc. Phải lấy hiệu quả, năng suất để thuyết phục mọi người”. Nghĩ vậy, Thư cố gắng thuyết phục một số nông dân, mượn đất làm mô hình thí điểm. Ông Nguyễn Văn Thắng, nông dân khu vực Thới Thuận, kể: “Thấy cô Thư năn nỉ quá nên tôi bấm bụng cho mượn một phần đất để trồng lúa thử nghiệm, chứ thật tình tôi cứ phập phồng trong bụng. Nào ngờ, ruộng lúa thử nghiệm đạt năng suất rất cao, lại có khả năng kháng được bệnh. Từ đó đến nay, bà con bắt chước trồng theo nhiều lắm”.

Thừa thắng xông lên, Thư tiếp tục vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: 2 lúa-1 cá, 2 lúa-1 màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa, ao, hồ... Rồi đến chuyển đổi vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái đặc sản, như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa, sầu riêng, mít ruột đỏ... có giá trị kinh tế cao. Thư chủ động liên hệ với Phòng Nông nghiệp quận, giúp bà con mua cây con, giống với giá ưu đãi vừa đạt chất lượng cao. Thư còn tham mưu với Đảng ủy, UBND phường thành lập các chi hội làm vườn, trồng lúa, hình thành các tổ hợp tác sản xuất, tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật... Qua các hoạt động hỗ trợ nhau vốn, cây con giống cũng như kỹ thuật sản xuất, hiện phường có khoảng 50 hộ nông dân có doanh thu đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm.

Với sự phấn đấu liên tục, vì lợi ích của nông dân, năm 2006, Thư vinh dự được kết nạp vào Đảng. Hiện Thư là cán bộ duy nhất ở phường đang theo học chương trình cao học, chuyên ngành phát triển nông thôn. Nói về những dự định trong tương lai, Thư bộc bạch: “Được tiếp cận với tri thức, công nghệ, phương pháp hiện đại... là điều mình luôn khát khao vươn tới. Mình sẽ cố gắng học thật tốt, từng bước nâng cao trình độ để phục vụ bà con nông dân, giúp họ làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình...”.

Anh Châu Việt Tha, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thới Lai, thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe ý kiến đóng góp của bà con. Ảnh: HOÀI THU

2. Năm Đinh Hợi 2006, thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Cùng đồng chí Châu Việt Tha, Bí thư Đảng ủy thị trấn, chúng tôi bon xe trên tuyến lộ dẫn vào ấp Thới Phước – một ấp từng là đơn vị khó khăn nhất của thị trấn. “Cách trung tâm thị trấn không xa, nhưng trước đây đường đất lầy lội, muốn đi công tác phải chạy vỏ lãi. Mỗi năm vận động tụi trẻ ra lớp là chuyện trần thân”- nhiều cán bộ thị trấn kể với tôi như vậy.

Nhưng đó là chuyện của hai năm về trước. Bây giờ Thới Phước đã chuyển mình, chuẩn bị lên ấp văn hóa. Đón chúng tôi tại cầu Mương Gỗ vừa được khánh thành, lão nông Nguyễn Văn Ba cười sang sảng: “Cứ vậy mà làm nghe “ông” Bí thư, trúng ý dân lắm rồi. Vui nhất là chuyện đường sá được xây dựng đàng hoàng, tụi nhỏ đến trường thuận tiện”. Chỉ tay về những ngôi nhà tường còn thơm mùi vôi mới, ông Đinh Thanh Dân, một người dân trong ấp, tiếp lời: “Mấy năm nay được mùa, bà con mình cất nhà khang trang. Năm nay, mọi người rủ nhau ăn tết lớn mừng ấp văn hóa”.

Cho đến bây giờ, nhắc lại chuyện xây dựng ấp văn hóa, ai cũng thè lưỡi. Do xuất phát điểm thấp, đời sống người dân khó khăn, mọi người sợ mục tiêu khó đạt. Những ngày ấy, Bí thư Châu Việt Tha cứ như con thoi, liên tục xuống ấp nắm tình hình, tranh thủ gặp gỡ cán bộ cao niên nhờ phân tích lẽ thiệt hơn những vấn đề có liên quan đến lợi ích của người dân. Một mặt, Tha phân công nhiều cán bộ chủ chốt của xã về cùng sinh hoạt, giúp chi bộ xây dựng nghị quyết, chương trình hành động. Mặt khác, anh huy động cả hệ thống chính trị vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa: Hiến đất, hoa màu làm lộ, trồng hàng rào cây xanh, làm vệ sinh môi trường, hướng dẫn bà con xây dựng nhiều dự án phát triển kinh tế hộ, huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong nội bộ giúp nhau xóa đói giảm nghèo... Năm 2006, Đảng ủy, chính quyền thị trấn tiếp tục vận động nhân dân hiến 31.500m2 đất để xây dựng khu đê bao khép kín phục vụ mô hình luân canh lúa-tôm. Nhờ phát huy dân chủ từ nội bộ Đảng đến nhân dân, tổ chức họp dân triển khai kế hoạch chặt chẽ, bàn bạc thấu đáo nên chủ trương này được đa số bà con đồng tình ủng hộ, tạo bước chuyển đổi kinh tế ấp Thới Phước. Bà con nhớ lại: Lúc đầu thấy “ông” Bí thư trẻ, lại ít nói, ai cũng lo lo. Nhưng nhìn cách “ổng” làm, cách vận động dân, mới biết sau sự trầm lắng là sự quyết đoán và giàu nghị lực.

Năm 2005, ở tuổi 31, Châu Việt Tha đang là Phó Ban tổ chức Huyện ủy Cờ Đỏ, được điều về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Thới Lai. Thời điểm ấy, thị trấn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ chủ chốt của thị trấn bị kỷ luật do sai sót trong thu chi ngân sách, nội bộ mất đoàn kết, chất lượng hoạt động của các chi bộ thấp, lỏng lẻo. Mặt khác, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, đường sá đi lại khó khăn, đời sống nhân dân lắm vất vả. “Cần phải nhanh chóng củng cố hệ thống chính trị, khơi dậy phong trào cách mạng ở địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” – Tha trăn trở. Với quyết tâm khắc phục khó khăn cộng với kinh nghiệm những năm làm công tác tổ chức, Tha tập trung chỉ đạo đổi mới phong cách, lề lối làm việc, xây dựng qui chế phối hợp giữa chi bộ, chính quyền và các đoàn thể. Anh chủ trương sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, bố trí đúng người đúng việc, mạnh dạn đưa cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo về công tác Đảng, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tha bộc bạch: “Chuyện của cả một thị trấn thì đâu thể giải quyết gói gọn trong giờ hành chính. Chuyện dân cần thì dù ở trên đồng ruộng, bờ đê... mình cũng có thể trao đổi, bàn bạc được”. Nghĩ vậy, nên Tha năng đi cơ sở, dự họp lệ cùng các chi bộ, lắng nghe ý kiến đóng góp của bà con. Từ đó, giúp các chi bộ xây dựng nghị quyết hàng tháng sát hợp tình hình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Nguyễn Văn Đen, Bí thư chi bộ ấp Thới Phước, nói: “Trong những lần đi cơ sở, đồng chí bí thư hay chú ý lắng nghe và ghi nhận ý kiến đóng góp của bà con. Những ý kiến trái ngược nhau được đồng chí đem ra bàn bạc, phân tích thấu đáo, để đi đến thống nhất”. Nhiều cán bộ ấp kể, Tha hay nhắc nhở các đảng viên trong chi bộ phải luôn gần dân, sát dân. Mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của nhân dân phải được đưa ra dân thảo luận, đóng góp. Nhờ chấn chỉnh kịp thời, công tác Đảng và đoàn thể từng bước đi vào nề nếp, phát huy được vai trò hạt nhân đoàn kết, vận động nhân nhân thực hiện có hiệu quả các phong trào cách mạng tại địa phương, làm cho kinh tế - xã hội thị trấn ngày càng đổi mới, đi lên.

Đi thực tế ở thị trấn Thới Lai, đến đâu tôi cũng nghe bà con phấn khởi bàn chuyện làm ăn, góp sức xây dựng thị trấn ngày càng phát triển. Nhìn Tha cùng bà con ở các ấp sôi nổi bàn chuyện làng chuyện xóm, tôi hiểu ra rằng, hai năm công tác ở địa phương, ngoài việc giúp cho Đảng bộ vươn lên đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”, người Bí thư trẻ đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân thị trấn...

Anh Đinh Xuân An (người thứ nhất, bên phải) cùng đại diện các đoàn thể ở địa phương đến thăm hỏi, tặng quà cho anh Nguyễn Hữu Lộc, thi hành nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 330, vừa được nghỉ phép về thăm gia đình. Ảnh: HOÀI THU

3. Khi mọi người hân hoan chuẩn bị đón xuân về, thì Đinh Xuân An, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, vẫn tất bật với công việc. Hết tiến hành thâm nhập “3 gặp 4 biết”, thăm hỏi gia đình thanh niên, rồi triển khai kế hoạch tuần tra canh gác... Bên mâm cơm trưa vội vàng ở đơn vị, An vẫn dành thời gian ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên, chia sẻ những khó khăn với những đồng đội xa nhà, tạo động lực, niềm tin để anh em phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trước thềm năm mới.

Tôi từng biết Xuân An qua những mùa huấn luyện trước. Hồi đó, dưới cái nắng rát da, áo ướt đẫm mồ hôi, Xuân An vẫn tận tình hướng dẫn từng chiến sĩ thực hành động tác ngắm bắn súng AR15... Anh em thường nói Xuân An rất nghiêm khắc trong việc luyện quân, chỉ cần một chút lơ là có thể bị kỷ luật. Nhưng hôm nay, bên mâm cơm tập thể, tôi lại bắt gặp một chỉ huy trẻ rất tình cảm, chân thành và cởi mở... Chính tính cách ấy khiến cho anh em trong đơn vị vừa kính nể, vừa thương yêu An như người thân trong gia đình. Anh em trong đơn vị còn nhớ, chuyện anh Nguyễn Văn Giúp, một thành viên trong đội dân quân cơ động có hoàn cảnh khó khăn. Thấy Giúp mồ côi cha, gia đình thiếu hụt quanh năm, An đã tham mưu với Đảng ủy đến nhà thăm hỏi, tặng chiếc xuồng để người thân của Giúp làm phương tiện sinh sống. Nhờ được động viên kịp thời, nên trong suốt thời gian tham gia dân quân cơ động, Giúp luon hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong lúc trò chuyện, An hay nhắc về truyền thống gia đình, về ông bà nội, ngoại tham gia kháng chiến suốt hai thời kỳ, về người cha từng vào Nam ra Bắc chiến đấu, về người mẹ cần mẫn đêm ngày chăm sóc, chữa trị cho thương binh, góp phần giải phóng đất nước với tất cả niềm tự hào. Phát huy truyền thống gia đình, năm 1997, An nộp đơn tình nguyện lên đường làm tròn bổn phận với đất nước. Năm 1999, trở về địa phương, An được lãnh đạo xã Thạnh Phú giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng Trung đội dân quân cơ động (DQCĐ). Những ngày được học tập và rèn luyện trong quân ngũ đã giúp An hiểu biết nhiều điều về đạo đức cách mạng, kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Từ đó nỗ lực xây dựng trung đội, thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. An đã rèn luyện, phấn đấu bền bỉ, nhiệt tình và gương mẫu trong thực hiện mọi nhiệm vụ, năm 2000, An vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 24 tuổi. Năm 2004, An được đề bạt làm Chỉ huy trưởng BCHQS xã.

Với vai trò chỉ huy, An vừa nghiêm khắc, vừa sâu sát với anh em. Trong công tác tuyển quân, An luôn chú ý thực hiện nghiêm các bước, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên và gia đình. Điển hình như trường hợp N.T.L đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ phải đi làm thuê làm mướn... An đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã xét cho L. tạm hoãn thi hành nghĩa vụ. Hoặc trường hợp tân binh N.H.A., cuộc sống gia đình rất bấp bênh, An cũng đề xuất Đảng ủy, UBND xã hỗ trợ cất nhà tình thương, giúp gia đình A. vượt qua khó khăn. Nhờ vậy, nhiều năm qua tỷ lệ đưa quân của xã đều đạt 100%, không có quân nhân bỏ ngũ.

Sự quyết tâm, tinh thần cầu tiến của An là tấm gương sáng để anh em trong đơn vị noi theo. Nhiều người quan niệm, nói đến quân sự là nói đến kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Nhưng với An, người chỉ huy cần phải phấn đấu đấu học tập, nâng cao trình độ, có tầm nhìn xa trông rộng để “điều binh”. Nghĩ vậy nên suốt thời gian qua, An luôn nỗ lực học tập. Từ một anh lính trẻ chưa tốt nghiệp THPT, An đã đăng ký học bổ túc văn hóa. Năm 2004, khi đi học trung cấp lý luận chính trị tại Cần Thơ, An đã tranh thủ buổi tối học lấy chứng chỉ B Anh văn, chứng chỉ A vi tính. Hiện nay, An đang theo học chương trình đại học mở tại An Giang.

- An dành nhiều thời gian học tập có ảnh hưởng đến công tác, đến chuyện giúp dân?

An cười, đáp: “Giúp dân là một trong những mặt công tác thường xuyên của Bộ đội Cụ Hồ mà!”.

Còn nhớ, vào mùa nước nổi năm 2005, năm ấy nước lên cao lắm, chảy cuồn cuộn, phá vỡ nhiều tuyến lộ ở ấp Thạnh Xuân. Lũ rút, đường lầy lội, trẻ em không thể đến trường. An và đồng đội đã cùng nhau vác đất, “hàn” lại những chỗ bị đứt. “Dù vất vả, nhưng nhìn bọn trẻ đến trường trên con đường sạch sẽ, bao mệt nhọc dường như tan biến hết, tôi cảm thấy rất vui” – An bộc bạch. Không chỉ làm đường giao thông, An còn huy động anh em đắp nền trường học. Năm 2007, An lại tập hợp anh em về các ấp Thạnh Hòa, Thạnh Phước sửa lộ, bắc cầu ván, giúp bà con đi lại dễ dàng. An tâm sự: “Cuộc sống của người dân Thạnh Phú còn lắm khó khăn, mỗi người phải chung tay gánh vác để cuộc sống ngày tươi đẹp hơn”.

***

Khi tôi viết những dòng này thì mùa xuân đã về, về gần lắm. Và trong sắc xuân của thành phố năm nay có bàn tay đóng góp của những cán bộ, đảng viên trẻ như Thiên Thư, Việt Tha, Xuân An...

SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết