18/01/2012 - 09:27

Mùa xuân trên biển đảo Tây Nam

* GIA NGUYỄN

Kỳ 1: Ở NƠI TUYẾN ĐẦU TỔ QUỐC

Biển đảo là một phần quan trọng của quê hương; bảo vệ biên giới, biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của các cấp, ngành và toàn dân. Những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phối hợp cùng với các lực lượng, địa phương quản lý nhà nước tại vùng biển, đảo Tây Nam, góp phần quan trọng trong việc tổ chức phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh trên biển; kết hợp kinh tế với quốc phòng- an ninh... Biển, đảo Tây Nam đang vào xuân, đời sống của người dân trên các đảo đang đổi thay từng ngày, đó là sự nỗ lực của người dân, và trong đó có phần đóng góp của những anh bộ đội cụ Hồ.

Tinh thần xung kích của người lính

Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ (trực canh ca, quan sát ở Trạm ra đa Nam Du). Ảnh: T. NGUYỄN 

Vùng biển đảo Tây Nam có hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ nằm trên lãnh hải 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, dưới sự bảo vệ của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và các lực lượng Vùng cảnh sát biển 4, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng... Với những người lính hải quân đóng quân trên các đảo thì “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, chiến sĩ biên phòng “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, còn lực lượng tuần tra trên biển thì “tàu là nhà, biển cả là quê hương” đã khắc sâu vào tâm khảm của họ để giữ vững tuyến đầu Tổ quốc.

Trung sĩ Đào Xuân Nam, Cụm chiến đấu 3, Ban chỉ huy đảo Thổ Chu, nói: “Quê tôi ở Thái Bình, nhập ngũ tháng 9-2010, đến tháng 7-2012 tôi xuất ngũ, tôi sẽ xin học tiếp để thi vào trường quân đội, tiếp tục là lính hải quân, canh giữ vùng biển, đảo Tổ quốc”. Tiếp nối truyền thống gia đình, trung sĩ Đào Xuân Nam có cha là thương binh 3/4, dù điều kiện kinh tế gia đình ở quê nhà bộn bề khó khăn, nhưng khi tốt nghiệp cấp 3, Nam tình nguyện nhập ngũ và được phân công về Vùng 5 Hải quân. Ban đầu có chút băn khoăn vì xa nhà hàng ngàn cây số, điều kiện khắc nghiệt nơi đảo xa, nhưng Nam nói mình đã quen mùi biển, sóng gió. Môi trường quân ngũ giúp Nam trưởng thành hơn rất nhiều, ở cái tuổi 22 tràn đầy nghị lực và niềm tin, anh trung sĩ đang mơ về “hậu phương” riêng của mình, với Nam tình yêu chiến sĩ cao cả như tình yêu đảo vậy.

Từ cảng An Thới (Phú Quốc) đến đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc) mất gần 8 tiếng ngồi tàu, Thổ Chu là đảo tiền tiêu nơi cực Nam Tổ quốc. Trung úy Hồ Trung Tuấn, công tác ở Ban chính trị đảo Thổ Chu, cho biết: “Là người lính đảo, chúng tôi luôn xác định tinh thần xung kích nơi tuyến đầu Tổ quốc, đảo là nhà, biển cả là quê hương. Đây là đảo tiền tiêu, nên các chiến sĩ trên đảo luôn kiên định mục tiêu, sẵn sàng chiến đấu, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Quê Tuấn ở tỉnh Bến Tre, tốt nghiệp Đại học An ninh năm 2007, Hồ Trung Tuấn được phân công về Phú Quốc công tác từ tháng 2-2008, đến tháng 9-2010 được Bộ Tư lệnh Vùng 5 điều về đảo Thổ Chu. Vì nhiệm vụ nên các chiến sĩ nơi đảo xa thường ăn Tết xa nhà, 4 năm công tác ở đảo anh đã 2 năm ăn tết cùng đơn vị, cũng một chút buồn, một chút vấn vương (Tuấn cưới vợ cuối 2010), nhưng với Tuấn nhiệm vụ của người lính đảo vẫn ưu tiên số 1, “tiền tuyến có vững chắc, hậu phương mới an lòng”...

Các đảo Tây Nam vừa là nơi đóng quân của lực lượng biên phòng, hải quân vừa là ngư trường, khu vực tập kết tàu đánh cá các địa phương trong vùng ĐBSCL. Trong khi đó các hoạt động trên vùng biển này đang có những diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động buôn lậu, đánh bắt hải sản trái pháp luật... Do vậy, những người lính đóng quân trên các đảo không chỉ làm nhiệm vụ chính trị giữ vững hòa bình, ổn định chính trị biển đảo mà còn giúp ngư dân bám biển, duy trì trật tự trên các ngư trường.

Trung tá Hồ Văn Chơ, Đồn trưởng Đồn biên phòng 742, gần 20 năm công tác trên quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới được đồn quán triệt cao. Chúng tôi thường xuyên tuần tra, trinh sát nắm tình hình, công tác bảo vệ an ninh biên giới, cứu hộ, cứu nạn trên biển được thực hiện rất đồng bộ. Nam Du hiện có 2.003 hộ dân sinh sống, giảm so với năm 2010 khoảng 200 hộ, do ngư trường ngày càng cạn kiệt. Các phương tiện đánh bắt của ngư dân nước ngoài thường xuyên xâm phạm lãnh hải của ta, nên chúng tôi phải tăng cường tuần tra, xử phạt các phương tiện vi phạm, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên đảo khi đánh bắt hải sản trên biển”. Theo trung tá Hồ Văn Chơ, năm 2011, Đồn biên phòng 742 đã xử phạt hành chính 20 phương tiện của ngư dân nước ngoài xâm phạm ngư trường trên vùng biển Tây Nam. Đồng thời, thông tin báo bão cho 150 phương tiện tàu thuyền của ngư dân, hiện vùng biển Nam Du có khoảng 700 tàu thuyền đánh bắt hải sản công suất 20cv trở lên. Bảo vệ an ninh trên biển là nhiệm vụ trọng tâm, những người lính biên phòng, hải quân luôn kiên định mục tiêu và bám chặt trận tuyến, sẵn sàng chiến đấu.

Tự hào là bộ đội cụ Hồ

Những người lính hải quân, bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ trên vùng biển và đóng trên các đảo Tây Nam đều có chung niềm tự hào là bộ đội cụ Hồ. Trung úy Lê Văn Khuyến, quê Thái Bình, công tác ở Lữ đoàn 127, thuộc Hải đội 512, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, nói: “Tôi công tác ở lữ đoàn đã 18 năm nay và luôn tự hào mình là lính hải quân. Nhiệm vụ của Lữ đoàn 127 là chuyên chở nhu yếu phẩm, thực phẩm, hàng hóa tiếp tế đến các đảo và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Những chuyến đi để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm và các anh em chiến sĩ luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là vinh quang và tự hào của chúng tôi”. Hạ sĩ Huỳnh Tấn Đạt, quê ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, tình nguyện vào quân ngũ và được đưa về Trạm Ra đa 625 (Hòn Đốc, tỉnh Kiên Giang) Vùng 5 Hải quân từ năm 2011, cuối năm 2012, Đạt ra quân, dù điều kiện nơi đảo xa còn khó khăn, nhưng Đạt cho biết mình rất an tâm khi công tác ở trạm. Đạt luôn tự hào với nhiệm vụ quan trọng là canh ca, quan sát vùng biển từ Hà Tiên đến địa phận giáp Campuchia, thống kê các phương tiện hoạt động trên biển và cảnh báo cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc...

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết gìn giữ lấy nó”- lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng ở Trạm Ra đa 615 (Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau). Đại úy Nguyễn Công Bình, Trạm trưởng Trạm Ra đa 615, nói: “Sự khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn vật chất, nước sinh hoạt, nhưng không làm khó được tinh thần tự lực, tự cường của người lính”. Trạm trưởng Trạm Ra đa 595 (Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau) đại úy Lê Văn Phong cho rằng, anh em ở trạm luôn xác định làm hết sức mình, góp sức bảo vệ toàn vẹn thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, cho biết: “Vùng 5 thành lập ngày 26-10-1975. Thành lập chưa ổn định đã lao vào chiến đấu, giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng pôn- pốt và đưa quân ra các đảo Tây Nam xây dựng lực lượng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Vùng 5 còn một số nơi đời sống cán bộ, chiến sĩ rất khó khăn, Bộ Tư lệnh vùng luôn xác định đảm bảo hậu cần, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội để họ an tâm bám đảo, đài, trạm giữ vững bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc, nhất là các ngày Tết”. Theo Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, những năm qua, Vùng 5 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền biển đảo, tạo điều kiện để ngư dân phát triển kinh tế biển, mở rộng ngư trường. Vùng 5 không có cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật, không có bộ đội bỏ ngũ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tháng 1-2011, Bộ Quốc phòng ký quyết định nâng cấp từ Bộ Chỉ huy Vùng 5 lên Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đây là vinh dự lớn lao, để cán bộ, chiến sĩ hải quân Vùng 5 phát huy tinh thần chiến đấu, bảo vệ vùng biển, đảo cực Nam Tổ quốc. n

---------------

Kỳ 2: Thắm tình quân- dân nơi đảo xa

Chia sẻ bài viết