03/02/2018 - 18:56

Mùa xuân nhớ Bác 

Mùa xuân mới lại về trên quê hương, trong tiết trời se se lạnh, nhành non nảy lộc, vươn chồi xanh biếc, đó đây mai đào khoe sắc thắm, giục giã mọi người tất bật chuẩn bị cho một cái tết đầm ấm, sum vầy... Đối với người dân Nam bộ, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuân về lại càng thiêng liêng hơn, ý nghĩa hơn, bởi trong tâm trạng nao nức đón tết lòng mọi người lại càng bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Quân khu 9, TP Cần Thơ viếng Tượng đài Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng. Ảnh: ANH DŨNG

Lãnh đạo Quân khu 9, TP Cần Thơ viếng Tượng đài Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng. Ảnh: ANH DŨNG

Trước đây, do sự chia cắt của đất nước nên đa phần đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam chưa có dịp được gặp Bác, vì vậy cho nên tình yêu kính của đồng bào Nam bộ dành cho Bác càng vời vợi, sâu thẳm. Sự tôn kính, yêu thương vô bờ bến ấy không chỉ nằm trong tim  mỗi người mà còn thể hiện bằng hành động tự giác, tự nguyện và đồng tâm hiệp lực trong cuộc chiến trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ miền Nam ruột thịt, khi được tin Bác mất, tiếng khóc uất nghẹn từ các cháu thiếu niên nhi đồng đến người lớn tuổi đã chảy mãi, chảy mãi, hòa cùng nỗi đau và nỗi mất mát lớn của cả dân tộc Việt Nam...

Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ của dân tộc, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã lập đền thờ Bác ở khắp nơi để tưởng niệm Người. Thể hiện tình yêu vô bờ bến với Bác, quân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã không ngại khó khăn gian khổ, bom đạn, cùng với các Đảng bộ và nhân dân vùng kháng chiến cùng nhau góp sức, tình nguyện đóng góp các nguyên vật liệu như lá dừa, thân dừa, thân tre, gạch cát để làm vật liệu xây dựng, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng bằng cả tấm lòng để lập nên những bàn thờ, đền thờ, phủ thờ để thờ cúng Bác. Sự ra đời của các đền thờ Bác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần như được lập cùng thời điểm sau khi Bác mất và đều được lập ở những vị trí bí mật trong rừng, trong cứ để tránh tai mắt địch, nhưng Mỹ ngụy đã nhận ra sự nguy hiểm của sức mạnh xuất phát từ những đền thờ này nên đã ra sức bắn phá, hủy diệt. Chúng càng phá hoại lại càng làm tăng thêm ý chí chiến đấu, tinh thần quật khởi của quân và dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cựu chiến binh Phạm Thanh Nam quê ở huyện U Minh, Cà Mau, cho biết “Tại Cà Mau, cứ mỗi khi đền thờ bị phá hủy, quân dân ta lại chuyển địa điểm lập đền thờ mới, ở sâu trong các cánh rừng. Cà Mau có tới 20 đền thờ Bác Hồ, bất cứ ai vào viếng Bác cũng đều thành kính”. Đại tá Lê Hữu Lộ nguyên chiến sĩ Phân xưởng hóa chất Xưởng Quân giới Tây Nam Bộ tiếp lời: “Ai cũng thành tâm báo công với Bác, nguyện cầu được ý chí, nghị lực và sức khỏe, nguyện noi theo gương Người”.

Hơn 40 năm từ khi Bác ra đi, các đền thờ Bác ở một số nơi đã chuyển đổi vị trí do chiến tranh tàn phá, do thiên tai, bão lụt nhưng người dân và chính quyền các cấp đã ủng hộ, đóng góp công sức, tiền của để sửa chữa, trùng tu hoặc xây dựng mới để có được những đền thờ trang nghiêm như ngày nay. Điều hết sức trân trọng là không riêng người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mà nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế khi đến viếng đền thờ Bác đều mang tâm trạng bồi hồi, xúc động, tràn đầy niềm tin, kính cẩn khi thắp nhang trước di ảnh của Người.

 Sự tôn kính Bác trong lòng quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành máu thịt, tâm linh, làm nên giá trị văn hóa truyền qua các thế hệ. Xuất phát từ sự thành tâm và được nung đúc qua chiến tranh và từ cuộc sống thực tế hàng ngày. Những việc làm ấy của người dân được hình thành một cách tự nhiên và theo thời gian trở thành một hành vi, một truyền thống và phong tục tốt đẹp. Hằng năm, vào các ngày lễ lớn của đất nước, ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các nơi có đền thờ Bác đều tổ chức kỷ niệm trang nghiêm, long trọng, tôn kính và thiêng liêng. Những hoạt động ấy trở thành những nét sinh hoạt văn hóa, thể hiện niềm tin và lòng biết ơn với vị lãnh tụ dân tộc.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 30 đền thờ Bác Hồ, trong đó Cà Mau có 20 đền thờ của Bác, phần lớn các đền thờ này đều đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Một số đền thờ được đưa vào điểm đến của các chương trình tham quan của các công ty du lịch như các đền thờ Bác ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng, ở Long Đức, Trà Vinh, ở Lương Tâm, Long Mỹ, ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu và cụm đền thờ ở tỉnh Cà Mau tọa lạc tại các xã Trí Lực, Thới Bình, xã Viên An, Ngọc Hiển, xã Cái Nước, huyện Cái Nước, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi... Đền thờ Bác trở thành biểu tượng tinh thần, giá trị văn hóa trong đời sống của hàng triệu đồng bào, vượt qua khói lửa đạn bom, đền thờ vẫn vững vàng như  niềm tin, như tấm lòng kiên trung của quân dân Đồng bằng sông Cửu Long với Đảng và Bác. Đó thực sự là những công trình được xây dựng, vun đắp và bảo vệ bằng cả trái tim...

Xuân Mậu Tuất 2018, đón xuân mới lại càng nhớ Bác kính yêu, quân dân Đồng bằng sông Cửu Long lại càng có thêm động lực để phấn đấu, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như lời Bác hằng dặn dò trước lúc đi xa...

NGỌC HƯƠNG

Chia sẻ bài viết