06/12/2015 - 13:14

MÚA VIỆT NAM- Còn nhiều nỗi lo

Mới đây tại TP Ðà Lạt, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam – hành trình và phát triển" nhằm đánh giá lại thực trạng múa ở nước ta hiện nay. Ngoài ghi nhận sự phát triển của nghệ thuật múa, các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nghệ sĩ múa còn chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến ngành múa ngày càng tụt hậu.

Lạm dụng

Cụm từ "múa đông - vui", "múa hoành tráng" giờ được các nghệ sĩ nhiều tâm huyết nhắc đến với sự chua xót. Điển hình tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 vừa kết thúc, nhiều vở cải lương đã lạm dụng múa làm loãng nội dung vở diễn, khiến sân khấu đầy cảnh "cải lương lai múa" rất khó xem. Có đơn vị là đoàn nghệ thuật tổng hợp đã quy tụ các diễn viên múa, thanh nhạc để làm nền cho nghệ sĩ cải lương, tạo nên những cảnh chạy nhảy, động tác cường điệu, loạn xạ. NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng: "Nhiều người dường như sợ cải lương bị đơn điệu nên thích đem múa vào mà đâu biết cải lương là tự sự, càng mộc mạc càng tốt".

Những tiết mục múa minh họa "bưng bê" phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu ca nhạc.

Không chỉ có cải lương, các loại hình khác như ca nhạc, kịch, hài… cũng đang lạm dụng múa. Bất kể bài hát tân nhạc hay cổ nhạc, nhạc trẻ hay nhạc cách mạng… hễ có hát là có múa, dù múa và hát "đường ai nấy đi". Sự lạm dụng này ngoài hệ quả làm cho các tiết mục thiếu chiều sâu, còn khiến người xem hiểu sai, ác cảm về múa. Ngay tại Cần Thơ, không ít tiết mục, chương trình mà ở đó múa minh họa kiểu "diễu hành đường phố" rất lộn xộn.

Nếu như múa minh họa ca khúc cách mạng thường theo tiêu chí "càng đông càng tốt" thì với các ca khúc nhạc trẻ, các vũ đoàn lại lạm dụng "bưng, bê, đội, khiêng". Giữa những giai điệu sôi động, các diễn viên múa ăn mặc không giống ai. Họ bưng bê, đội nhau như làm xiếc. Nhiều nhóm múa còn làm những động tác gợi dục, bò sóng soãi trên sân khấu… NSND Đặng Hùng, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, bức xúc: "Như vậy không phải là múa minh họa. Múa không chỉ là động tác, là đông người mà phải chắt lọc để phản ánh hiện thực cuộc sống. Riêng múa minh họa phải tương quan đến ca khúc, phải biết mình dùng múa để nâng tầm hiệu quả biểu diễn".

Đó là chưa kể mặt bằng chung của múa Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, nhiều biên đạo hoặc không có khả năng, hoặc lười tư duy, sáng tạo, biến múa minh họa trở thành loại hình lấp đầy sân khấu cho có. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Mai đánh giá, chất lượng múa minh họa đang ở mức cảnh báo khi mà các tiết mục hầu hết giống nhau về cấu trúc, ngôn ngữ múa, không thể hiện rõ bản sắc vùng miền, dân tộc. Đồng tình với quan điểm này, nghệ sĩ múa Linh Nga, chia sẻ, nhiều biên đạo vẫn hay có thói quen xem băng đĩa múa nước ngoài và cứ thế "giữ nguyên" từ cảm xúc đến động tác.

Nhiều bất cập

Một biên đạo múa ở khu vực ĐBSCL bức xúc, hiện nay thù lao cho biên đạo tác phẩm còn rất hạn chế. Trước đây là 300 ngàn đồng/tác phẩm, rồi đến 350 ngàn đồng và hiện là 650 ngàn đồng/tác phẩm, bất kể tác phẩm đó dàn dựng công phu, hoành tráng và nghệ thuật ra sao. "Có tác phẩm cần đến 40-50 diễn viên nhưng từng đó thù lao thì thật không xứng đáng" – vị biên đạo này nói.

Nghệ sĩ độc diễn Văn Học, Chi hội Nghệ sĩ múa tỉnh Khánh Hòa, nhận được sự đồng tình của nhiều người khi đưa ra 3 thực trạng: các thành viên ban lý luận, ban chấp hành Hội Múa Trung ương cứ nhận giải liên tục mà hội viên chẳng hiểu nội dung các vị ấy viết gì; Ban sáng tác cứ việc… sáng tác và hằng năm lại ngồi lại "tự chấm tác phẩm cho nhau"; thầy chấm trò, giành giải cho "lò" của mình. Nghệ sĩ Văn Học bức xúc: "Xét giải kiểu "nước chảy chỗ trũng" là không chấp nhận được!". Nhiều đại biểu đưa ra giải pháp là nên phân cấp hệ thống giải thưởng, tạm hiểu là cấp quốc gia, cấp chuyên nghiệp… để những người trẻ cũng có cơ hội thể hiện mình.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sáng tác cho nghệ sĩ cũng gây bức xúc. Nghệ sĩ Văn Học cho biết, kinh phí hỗ trợ sáng tác luôn là một trong những nguồn lực chính cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật tại địa phương. Thế nhưng, tháng 10-2015, một vị khi đó đương chức trong Ban Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Trung ương lại thông tin với ông: "Có dư 3 tỉ đồng mà chẳng biết làm gì?". Nghệ sĩ Văn Học nói giọng chua xót: "Nếu quỹ Hội có dôi dư thì đừng quên nghĩ đến Chi hội múa địa phương vốn hoạt động chật vật vì thiếu kinh phí".

Gần đây, các quy định, tiêu chuẩn về xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú khiến dư luận không đồng tình. Trong đó, có quy định: "Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên". Quy định này đã không xét đến đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật. Như ngành múa, khoảng thời gian từ 15 đến 20 năm đã là hết vòng đời một nghệ sĩ do độ dẻo của xương và cơ đã hết. Học mất gần chục năm nhưng họ chỉ biểu diễn được khoảng 10 năm, bởi sự hạn chế không thể cưỡng lại được do sự dẻo dai của cơ thể đã không còn. Liệu lúc nghệ sĩ múa "đủ chuẩn" thì có còn sung sức để sáng tạo, thi thố? Thiết nghĩ, tài năng của người nghệ sĩ phải được đo bằng những cống hiến đích thực cho nghệ thuật, bằng những tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ trong lòng công chúng, chứ không thể chỉ được xác định bằng thời gian.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết