03/09/2017 - 12:50

Mùa thu đi dài theo đất nước 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 - Ảnh tư liệu

Mùa thu, lịch sử dân tộc lại ánh lên sắc nắng từ quảng trường Ba Đình. Đến nay, dù 72 năm trôi qua, vẫn lồng lộng in bóng trên lễ đài trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “rắn như thép, vững như đồng” vang vọng. Hàng vạn người nghe chiều thu hôm ấy vỡ òa hạnh phúc, khi Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và  lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Cả đất nước đứng lên, hàng triệu quốc dân đồng bào hướng về quảng trường Ba Đình, truyền thêm sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của chính nghĩa, quyết đưa đất nước thoát khỏi xiềng xích nô lệ.

Từ “Mặt trời cách mạng” tỏa sáng quảng trường Ba Đình mùa thu ngày ấy, mỗi phố phường Thủ đô Hà Nội đều là trận địa, chiến lũy; mỗi người dân đều là chiến sĩ. Hà Nội đứng lên kháng chiến, Hà Nội mang khí thế hừng hực từ Tuyên ngôn độc lập. Mùa thu đi dài theo năm tháng, dọc theo đất nước và bầu trời vẫn xanh thắm sắc xanh rất đỗi Việt Nam. Cả đất nước, cả dân tộc Việt Nam kháng chiến, cuộc chiến của những người yêu nước, đầy gian khổ và cũng rất vinh quang. Tất cả cùng hành quân, cùng rầm rập nhịp bước, cùng hát vang “Tiến quân ca” trong niềm kiêu hãnh và niềm tin với Đảng, Bác Hồ và quân dân cả nước.

Từ mùa thu năm ấy, nhân dân cả nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đại lộ kháng chiến đã mở, với thế trận kháng chiến đã bày “Toàn dân kháng chiến/ Toàn diện kháng chiến”. Những mùa thu kháng chiến tiếp nối đã kể chuyện những người mẹ anh hùng, những người chị, người vợ trung hậu, đảm đang, bất khuất, những thanh niên và cả thiếu niên nhi đồng thông minh và dũng cảm. Những bà mẹ đã thầm lặng nuôi giấu cán bộ, góp gạo, góp vàng, góp tiền ủng hộ kháng chiến thành công. Họ nhẫn nại và hy sinh thầm lặng. Họ không bao giờ đòi cách mạng “trả ơn”, đòi lịch sử “ghi danh”, nhưng chính họ là người làm nên lịch sử, làm nên đất nước, gieo hạt cách mạng tiếp  cho mùa sau.

Nơi chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cùng với trung ương Đảng, lãnh đạo quân dân ta, tạo thành những cuộc bão táp cách mạng “đất chuyển, trời rung”. Sau chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, những anh vệ quốc quân “áo vải, chân không đi lùng giặc đánh” đã khôn ngoan, rắn rỏi hơn nhiều. Anh thắng giặc bằng tình thương đồng đội và thắng giặc bằng tình thương nhân dân. Nhân dân đã nuôi dưỡng anh lính cụ Hồ, có sức khỏe dẻo dai “vai trăm cân, chân ngàn dặm”. Sức mạnh từ người lính, nhân sức mạnh của sư đoàn, binh đoàn hùng hậu. Sức mạnh ấy, để anh cùng đồng đội cõng pháo qua đèo, tấn công sâu vào sào huyệt địch, thọc sâu vào lòng chảo Điện Biên, nơi tướng giặc huênh hoang rằng “một con chuột cũng không chui lọt”. Nhưng Việt Nam đã làm nên “thiên sử vàng chói lọi”. Chiến thắng Điện Biên, núi rừng Việt Bắc thu sang thêm thắm. Nhưng niềm vui chưa trọn, người Mỹ rạch đôi dòng Bến Hải, cắt ngang bầu trời thu xanh của chúng ta.

Nước còn giặc, còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân. Bên những dòng sông xanh, lại có biết bao người mẹ vẫy tay nhìn các con ra trận. Bao ánh mắt lưu luyến trên cánh đồng lúa trổ đòng, tiễn người yêu ra trận. Những đoàn quân đi trùng trùng điệp, lớp cha trước, lớp con sau. Những người lính trẻ xuyên rừng Trường Sơn, giữa ánh trăng thu và làm thơ bên cánh võng. Họ trải những mùa thu ở Trường Sơn, trong căn nhà binh trạm lợp lá trung quân, trong bữa ăn chia nhau từng đọt măng rừng, trong cơn sốt rét run người, đồng đội đốt lửa sưởi và chia nhau từng viên thuốc… Sốt rét tan, người lính ấy lại khoác ba lô ra chiến trường. Có biết bao nhiêu người lính ra đi rồi không về nữa, họ đã hóa thân mình vào đất. Khi ngã xuống, biết bao người lính trẻ vẫn ngước nhìn trời xanh, gửi hòa bình cho đất nước.

Chiến tranh đã qua hơn bốn thập kỷ rồi, hỡi người lính đang nằm trong lòng đất, các anh có nghe chăng tiếng thu lại đang về, trời thu lại đang xanh. Những mùa thu bừng bừng nhịp sống mới, đầy ắp khát vọng. Khát vọng của một đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh, đã giành được tự do và độc lập, cả dân tộc đang vững bước xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn. Từ non nước Cao Bằng đến mũi Cà Mau, đâu đâu cũng phố phường tấp nập, điện đường trường trạm, làng mạc sầm uất, những gương mặt hạnh phúc và tự tin. Người Việt  yêu mùa thu và càng hiểu giá trị của mùa thu. Mùa thu mới, đang giục lớp trẻ xốc lại hành trang bước tiếp vào trận mới.

Phan Thế Cải

Chia sẻ bài viết