31/12/2012 - 16:42

Mùa hoa Sa Đéc

Hoa hoàng yến vàng rực - mặt hàng hoa mới nhập từ Thái Lan.

Đồng bằng sông Cửu Long có hai làng hoa nổi tiếng cả nước, đó là làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) và làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Làng hoa Sa Đéc có đến hai xã trồng hoa: Tân Quy Đông và Tân Khánh Đông, đều thuộc thị xã Sa Đéc. Tân Khánh Đông là xã nối dài Tân Quy Đông, tuy không nổi tiếng bằng làng hoa Tân Quy Đông nhưng dài theo hai bên con lộ nhựa là những vườn hoa nằm san sát nhau.

Mùa hoa Tết

Những ngày giữa tháng 12-2012, chúng tôi đến Tân Khánh Đông, chứng kiến không khí tất bật của bà con trong việc chăm sóc hoa kiểng phục vụ Tết Quý Tỵ - 2013 sắp tới.

Toàn thị xã Sa Đéc có khoảng 1.000 hộ trồng các loại hoa kiểng trên diện tích khoảng 350ha. Các hộ này cung cấp cho thị trường các loại hoa quanh năm. Theo Hội Nông dân xã Tân Khánh Đông, toàn xã hiện có trên 110ha trồng hoa kiểng. Đặc biệt, vụ hoa Tết Quý Tỵ 2013, để đáp ứng nhu cầu lớn nhất trong năm về hoa, từ hồi tháng 6 âm lịch, Trại giống Tân Khánh Đông đã cung cấp cho 10 hộ dân ở xã Tân Khánh Đông và 6 hộ dân ở xã Tân Quy Đông trồng thử nghiệm giống cấy mô bố mẹ gồm 4.000 cây cúc mâm xôi và 1.000 cây hồng. Theo anh Cao An Quới, cán bộ nông nghiệp xã Tân Khánh Đông, lần đầu tiên bà con trồng cúc mâm xôi cấy mô. Cúc cấy mô phát triển tốt và nhanh hơn so với cây cúc nhân giống truyền thống, vì cúc cấy mô đã được sàng lọc lấy giống cây sạch bệnh, đem ra mô cấy rồi sau đó nhân giống cho bà con trồng, tỷ lệ bệnh thấp, hoa nở to hơn. Bên cạnh đó, phục vụ mùa hoa Tết, nông dân Tân Khánh Đông đã xuống giống trồng thêm các loại cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, cúc tím, hồng... Năm nay thời tiết bất thường, mưa bão nhiều nên khâu chăm sóc hoa kiểng phải hết sức cẩn trọng, nếu không có thể hoa kiểng sẽ bị một số bệnh như khảm hoặc thán thư trên cây.

Đáng nói là tuy mới vào đầu vụ mà một số nguyên vật liệu để sản xuất hoa kiểng như bội, chậu, phân rơm, thuốc trừ sâu... đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí đầu tư tăng nên giá hoa kiểng sẽ tăng theo, nhiều hộ trồng hoa ở đây khẳng định.

Hoa "không mùa"

Bên cạnh những hộ chuyên doanh hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, làng hoa Sa Đéc còn có nhiều hộ chuyên doanh hoa, cung ứng cho thị trường bất kể ngày tháng nào, quanh năm. Chúng tôi đến cơ sở Hai Âu ở địa phận cầu Cái Bè, xã Tân Khánh Đông vào một buổi trưa. Trong ánh nắng chói chang, trên khoảng đất đầy những luống hoa, bắt gặp người phụ nữ đội nón lá, khuôn mặt che khuất đằng sau tấm khẩu trang lớn, chỉ còn đôi mắt. Chị đứng trên chiếc xuồng bằng sắt di chuyển trên mặt nước giữa hai dãy giàn hoa cao ngang ngực.

Cơ sở Hai Âu là của chị Trang Thị Kim Âu, 46 tuổi. Trước kia chị làm mướn, có một số vốn kha khá, hai vợ chồng chuyển qua nghề trồng hoa, từ 10 năm nay, trên diện tích gần 2 công. Hỏi sao phải trồng hoa trên những chiếc giàn cao lêu nghêu, bơi xuồng chăm sóc cực nhọc, chị nói vùng đất này trũng, nước mưa ứ, nên phải chịu khổ như vậy. Nhờ vậy mà giá thuê rẻ, 3 triệu đồng/công/năm. Để bắt tay vào sản xuất, chị thuê thợ đóng giàn, công việc nặng nhọc, phải có chút tay nghề mới có những chiếc giàn chắc chắn.

Trước kia, chị Âu trồng các loại hoa sứ, cúc mâm xôi, cúc Tiger..., cũng tham gia phục vụ Tết Nguyên đán. Nhưng việc làm ăn chẳng khấm khá vì ảnh hưởng thời tiết, giá cả thất thường, cạnh tranh khốc liệt... Năm nay chị bỏ hẳn mùa hoa Tết, chuyển sang chuyên canh bốn loại hoa chủ lực là hồng, sứ, bụp và hoàng yến. Bụp và hoàng yến là hai loại hoa mới, có nguồn gốc từ Thái Lan. Giống này chị mua của thương lái đem từ Đà Lạt (Lâm Đồng) xuống. Chị trả 50.000 đồng một cây, nhỏ xíu, có vài tược. Từ đó, qua "truyền nghề" của lái, chị nhân nó ra, trồng đại trà. Bông bụp có đến 10 loại, mỗi loại 1 màu, màu nào cũng đẹp, hoa nở lớn gần bằng bàn tay xòe. Ngán nhất là bụp có hoa màu vàng sậm. Bụp này lá xanh dờn, phơi phới, thân cây thường bị sần sùi rồi rụng lá. Lá rụng, lại ra lá khác, xanh dờn, rồi rụng. Vậy mà ra hoa, hoa rất đẹp, nhưng cây và lá như vậy thì coi như chết, ai thèm mua. Vợ chồng chị loay hoay tìm cách trị bệnh cho nó, thậm chí nhờ cán bộ nông nghiệp giúp, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị cho cây.

Trồng hoa cực nhất là khâu chăm sóc, phải có tay nghề. Vợ chồng chị Âu cùng 2 người con xắn tay áo vào việc chăm sóc hoa. Chăm sóc hoa thì đứng trên xuồng di chuyển giữa hai giàn hoa. Còn tưới hoa thì ngâm chân trong nước. Nhưng những lúc làm không xuể cũng phải mướn người làm tiếp, phụ nữ 80.000 đồng/ngày, đàn ông 130.000 đồng/ngày, làm theo "giờ hành chánh". Bụp trồng 5 tháng, hồng 4 tháng, hoàng yến 5 tháng, ra hoa, xuất cho lái. Riêng sứ phải trồng nhiều năm, củ bự mới bán được. Hoa đến kỳ thu hoạch được thương lái đến mua tận vườn và chuyển đi bằng xe tải. Thương lái chở hoa bán nhiều nơi, đặc biệt là ra cả ngoài Bắc. "Năm ngoái lái mua ít so với năm nay", chị thố lộ. Nghề trồng hoa giống nghề làm rẫy, loại cây ngắn ngày – chị phân tích, rút gọn: lấy công làm lời. Rồi chợt nhớ, chị tiếp: "Ở ngoài nhìn vô thấy "làu làu" nhưng thâm nợ, làm cái nghề này, đủ ăn là may. Hoa đến kỳ, lái trả giá thấp cũng phải bán, không bán hoa nở tòe loe coi như bỏ. Làm giàu từ hoa kiểng chỉ là những người có đất nhà".

Dù trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán hay trồng hoa phục vụ quanh năm, dù lời dù lỗ..., từ nhiều chục năm nay, làng hoa Sa Đéc vẫn khẳng định thế đứng của mình. Đó là đã tạo những mùa hoa đẹp sắc hương, làm tươi thắm cuộc đời nhiều người, nhiều thành phần xã hội, trong nước và ngoài nước.

Bài, ảnh: CÚC TẦN

Chia sẻ bài viết