24/10/2016 - 10:52

Mù mắt vì thuốc bảo vệ thực vật

Khi xịt thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa, vườn cây, nông dân cần mặc quần áo bảo hộ lao động, đặc biệt là đeo kính bảo vệ mắt, để tránh hóa chất độc hại dây vào mắt, dẫn đến tổn thương mắt, gây nhiều biến chứng ảnh hưởng thị lực, thậm chí phải mù lòa.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị M. (ngụ quận Bình Thủy) chăm sóc vườn chanh sau nhà. Chị xịt thuốc kích thích cho chanh ra bông, công việc chị vẫn hay làm. Chị cẩn thận mặc quần áo bảo hộ, đội nón, đeo khẩu trang, bao tay và không quên đeo mắt kính. Chỉ sau 20 phút, chị làm việc xong, bèn tháo kính mắt và các thứ bảo hộ, chuẩn bị vệ sinh sạch sẽ thì phát hiện một vài nhánh chanh nằm khuất chưa được xịt thuốc, nên chị mới lấy bình xịt huơ vài vòng. Không ngờ vừa lúc ấy, có làn gió thổi tạt tới, hơi thuốc xộc vào một bên mắt của chị M. Chị cảm giác nóng rát mắt như phỏng, lập tức đến vòi nước rửa mắt liên tục. Đến hôm sau, bên mắt bị dính hóa chất sưng đỏ lên, chị bị chảy nước mắt liên tục, kèm đau nhức không chịu nổi. Chị M. đến bác sĩ khám, được chỉ định nhập viện điều trị.

 Không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi phun xịt thuốc trừ sâu trên ruộng vườn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân. Trong ảnh: Phun thuốc trừ sâu cho lúa. Ảnh: HÀ VĂN

So với trường hợp của chị M. bị thuốc bảo vệ thực vật dính vào mắt chỉ vì bất cẩn, thì thực tế, ở nông thôn, nhiều nông dân còn chủ quan, lơ là, chưa ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, nhất là sức khỏe mắt, khi tiếp xúc với các hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật. Anh Mai Văn V. (ở huyện Phong Điền), sống bằng nghề làm thuê, chủ yếu xịt thuốc mướn cho hàng xóm. Anh chia sẻ, mỗi ngày anh xịt vài bình, với giá 15.000 đồng/bình, giúp trang trải cuộc sống khó khăn vì gia đình không có đất sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với nghề này, đến nay sức khỏe anh V. có phần giảm sút. Anh cho biết, trước đây, anh từng bị đau mắt, bác sĩ cho biết, do mắt anh tiếp xúc thường xuyên với hóa chất. Đồng thời, việc tiếp xúc lâu dài mà không bảo hộ lao động, không đeo kính mắt, hóa chất sẽ tích tụ, ảnh hưởng thị lực, thậm chí gây nhiều bệnh tật nguy hiểm khác. Anh V. cũng biết việc này nhưng không thực hiện bảo hộ lao động khi làm việc, với lý do "sợ đeo kính riết rồi quen, nhìn xa không thấy đường".

Theo bác sĩ CKII Mai Hoàng Trí, Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật độc hại với mô của mắt, nếu dính vào mắt có thể gây tổn thương biểu mô, giác mạc, đưa tới loét nhiễm trùng, dẫn tới hư mắt. Ở mức độ nhẹ, hóa chất chỉ gây phỏng biểu mô, bệnh nhân chỉ thấy mờ mờ. Những trường hợp nặng, biến chứng gây loét nhiễm trùng, bệnh nhân có thể mất thị lực, thậm chí phải múc bỏ mắt. Bác sĩ Mai Hoàng Trí cho biết, BV tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị tổn thương mắt do làm công việc đồng áng, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất. Vì thế, khi làm việc tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, người lao động phải chú ý bảo hộ mắt bằng những việc rất đơn giản như: trang bị kính bảo hộ và các phương tiện khác như khẩu trang, găng tay. Bác sĩ Trí hướng dẫn xử trí sơ cấp cứu ban đầu tại chỗ đối với những trường hợp hóa chất dính vào mắt như sau: "Rửa bằng nước sạch càng nhiều càng tốt, làm trôi tác nhân, giảm tác hại của hóa chất. Đặc biệt, không nên đắp lá hoặc sử dụng các thuốc nhỏ mắt không rõ loại, có thể gây biến chứng nặng hơn".

Theo y văn thế giới, nếu người lao động tiếp xúc lâu dài với các loại hóa chất này, ngoài tác động tức thời, về lâu dài, có thể gây một số bệnh ung thư. Theo bác sĩ Trí, quan niệm "sợ đeo kính riết rồi quen, nhìn xa không thấy đường" là không chính xác. Kính mắt có hai loại, kính bảo hộ và kính thuốc. Kính bảo hộ chỉ bảo vệ mắt, tránh tác nhân lạ xâm nhập gây hại cho mắt; còn kính thuốc dùng cho người mắc các tật bệnh về mắt, giúp nhìn rõ hơn. Người mang kính bảo hộ không bị ảnh hưởng thị giác.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết